Công trình nhà ga hành khách 35.000 tỷ đồng, quan trọng nhất của dự án sân bay Long Thành thi công thần tốc
Sân bay quốc tế Long Thành nằm tại huyện Long Thành (Đồng Nai), có tổng diện tích gần 5.000ha và tổng mức đầu tư lên tới 16 tỷ USD (hơn 336.630 tỷ đồng). Với công suất thiết kế phục vụ cho 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước.
Gói thầu 5.10 thi công nhà ga hành thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) với mức đầu tư 35.000 tỷ đồng đã khởi công vào 31/8/2023. Đến nay, công trình được thi công thần công để đạt tiến độ đề ra.
Theo Cổng thông tin Bộ Giao thông Vận tải, tại gói thầu công trình nhà ga hành khách, Chỉ huy trưởng liên danh nhà thầu Vietur cho biết, đến thời điểm này liên danh các nhà thầu đã huy động 3.220 nhân lực và 950 trang thiết bị tập trung thi công đồng bộ các hạng mục.
Đặc biệt, công trình phấn đấu hoàn thành toàn bộ phần xây dựng trước tháng 12/2025, hoàn thành lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026 song song với công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026.
Theo công suất thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành, ở giai đoạn 1, sau khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ là sân bay hiện đại hàng đầu trong khu vực với công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Công nghệ cao được áp dụng
Công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành sẽ sử dụng công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành, 40 cửa lên máy bay, 72 quầy kiểm tra hộ chiếu sẽ được triển khai. Cùng với đó, công trình nhà ga hành khách được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ.
Trong đó, công nghệ AI được áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học về khuôn mặt, dấu vân tay… được nhanh chóng, chính xác, rút ngắn được thời gian làm thủ tục hàng không.
Từ đó, AI sẽ giúp đơn vị khai thác phân tích các dữ liệu về chuyến bay, thời tiết, giám sát an ninh... để đơn vị khai thác xây dựng chương trình kiểm soát an ninh an toàn, quản lý rủi ro, dự đoán và lập kế hoạch bay, điều phối và phân chia khai thác.
Về công nghệ xây dựng, ACV cho biết, trên cơ sở tiến độ thi công chi tiết của các gói thầu chính, ACV đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế rà soát tiến độ. Từ đó lập tiến độ thi công của các gói thầu trên đảm bảo phù hợp với tiến độ triển khai của các gói thầu chính đang thi công để tránh tối đa các xung đột, giao cắt, đảm bảo khớp nối tiến độ với các công trình chính, tạo sự đồng bộ giữa các hạng mục về mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.
Đặc biệt, ACV phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công áp dụng công nghệ BIM trong quá trình triển khai thiết kế, thi công và trong quá trình quản lý dự án để có các phương án, lường trước các điểm giao cắt giữa các gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ giữa các hạng mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.
BIM (Building Information Modeling) là mô hình tiên tiến giúp tạo lập và sử dụng thông tin hiệu quả xuyên suốt dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành công trình. Theo đó, các nhà tư vấn thiết kế cũng như các nhà thầu xây dựng sử dụng các phần mềm BIM để tạo nên một mô hình của công trình trên máy vi tính. Mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường, được sử dụng để thể hiện toàn bộ vòng đời của một công trình xây dựng từ khâu thiết kế, thi công, cho đến khâu vận hành.
Hơn nữa, để bảo đảm an ninh, an toàn, lực lượng chức năng đang triển khai ứng dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt để kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào dự án. Cụ thể, hệ thống camera giám sát, ứng dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt và quét mã QR tích hợp để kiểm soát người ra vào khu vực xây dựng sân bay.
Minh Tiến