Công ty bất động sản Trung Quốc bị gán mác 'thiên thần sa ngã'

Rắc rối xoay quanh Vanke thể hiện rõ thông qua doanh số bán bất động sản sụt giảm. Dòng tiền tài trợ cho các dự án cũng đứt quãng.

China Vanke là hình mẫu lý tưởng cho sự phát triển kinh tế đại lục kể từ khi chính sách cải cách và mở cửa được đưa ra vào cuối những năm 1970. Thế nhưng, cái tên từng đi đầu trong thị trường chứng khoán và bất động sản này mới đây lại bị khoác mác “thiên thần sa ngã” sau khi giới chuyên gia hạ xếp hạng tín dụng xuống mức không thể đầu tư.

Rắc rối xoay quanh Vanke thể hiện rõ thông qua doanh số bán bất động sản sụt giảm. Dòng tiền tài trợ cho các dự án cũng đứt quãng.

Quay lại hồi năm 1984, Vanke ban đầu được thành lập dưới một cái tên khác ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Sau khi trở thành một trong những công ty cổ phần đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1988, Vanke lấy tên hiện tại và chuyển sang lĩnh vực bất động sản khi thị trường nhà đất được tự do hóa.

Khi Thâm Quyến mở sàn giao dịch chứng khoán cùng với Thượng Hải vào năm 1990, Vanke trở thành một trong những công ty đầu tiên niêm yết công khai và được công nhận rộng rãi là một “laowugu”, một trong “năm cổ phiếu cũ” của Thâm Quyến, với mã chứng khoán ban đầu là 0002, nay là 000002.

Trong khi các đối thủ tư nhân như China Evergrande Group, Sunac China Holdings và Country Garden Holdings tụt hậu về doanh thu và không trả được nợ, Vanke vẫn thể hiện tương đối tốt cho đến mùa hè năm ngoái, khi doanh số hàng tháng trong tháng 6 năm 2023 giảm 23%. Xu hướng này vẫn tiếp tục khi vào tháng 5/2024, doanh thu thấp hơn 29% so với một năm trước đó.

Khi doanh số hàng tháng của Vanke tiếp tục giảm, Fitch vào cuối tháng 3 đã hạ xếp hạng của nhà phát triển này 2 bậc từ BBB. Theo Tyran Kam, giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, người giám sát lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đại lục, khi một ngành đang gặp căng thẳng, thị trường có xu hướng nhắm vào từng công ty một. Kam cho biết, xu hướng này hiện nay dường như đang tập trung vào các công ty có “động lực cơ bản là doanh số bán hàng”.

Vào cuối tháng 5, Fitch hạ Vanke thêm 2 bậc nữa do doanh số bán hàng không thể ổn định. Moody's cho biết các thước đo tín dụng và tài chính của Vanke “sẽ yếu đi trong 12-18 tháng tới vì doanh số bán theo hợp đồng giảm và sự bất ổn ngày càng tăng về khả năng tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái kéo dài ở Trung Quốc”.

Ngay cả Tập đoàn xếp hạng tín dụng Chengxin, vốn thường hào phóng với các công ty Trung Quốc, cũng đang để mắt tới tình hình hoạt động suy yếu của Vanke. Sự bi quan tồn tại bất chấp một loạt gói chính sách được triển khai.

Soo Chong Lim, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng châu Á tại JP Morgan, cho biết nguy cơ trở thành “thiên thần sa ngã” vẫn tập trung ở lĩnh vực bất động sản.

“Để thị trường tín dụng phản hồi, thị trường nhà đất phải ổn định”, Lim nói.

Công ty bất động sản Trung Quốc bị gán mác 'thiên thần sa ngã'- Ảnh 1.

Theo Leonard Kwan, nhà quản lý danh mục trái phiếu tại T. Rowe Price, sẽ cần thời gian để thị trường khôi phục niềm tin. Eric Fine, nhà quản lý danh mục đầu tư cho các thị trường mới nổi tại công ty quản lý VanEck của Mỹ, cho biết các nhà đầu tư đang tìm cách kiếm lợi nhuận ở những nơi có thể cam kết lâu dài.

Eddie Cheng, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư quốc tế tại Allspring Global Investments, cho biết các nhà đầu tư Mỹ tránh bổ sung tài sản bằng đồng nhân dân tệ do thiếu chính sách kinh tế hiệu quả. “Không có đủ sự minh bạch cũng như kỳ vọng về các chính sách kinh tế được đưa ra”.

Trong khi đó, Vanke đang tìm cách vượt qua cơn bão. Chủ tịch Yu Liang thừa nhận công ty đang ở thời điểm nhạy cảm song không thể ngồi yên. Vanke đang nỗ lực cắt giảm khoản nợ 100 tỷ nhân dân tệ trong 2 năm thông qua việc thanh lý tài sản và cắt giảm nhiều khoản chi khác..

Một chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ giữ Vanke hoạt động để chứng tỏ rằng các công ty sở hữu hỗn hợp - ra đời nhờ nỗ lực cải cách của đất nước - vẫn có thể hoạt động. Tuy nhiên, công ty này cũng có thể cần phải được tái cơ cấu tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Zhu Jiusheng nói: “Có áp lực, nhưng chúng tôi tin rằng mình có thể chịu đựng được”.

Kể từ năm 2021, hơn 50 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ, trong đó có 2 tập đoàn lớn là Evergrande và Country Garden. Từng là đối thủ chính của Evergrande, Country Garden vỡ nợ vào tháng 10. Tình hình của công ty trở nên tồi tệ vì doanh số bán hàng sụt giảm.

Trong một báo cáo nghiên cứu, Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, cho biết đà sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản là điều dễ hiểu do doanh số bán nhà gặp áp lực. “Điều quan trọng cần theo dõi vào năm 2024 là liệu khi nào chính quyền sẽ can thiệp và chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn sự sụp đổ”, ông Hu nói.

Năm 2023, doanh số bán nhà ở của Trung Quốc giảm 6,5%. Theo Dongxing Securities, một ngân hàng đầu tư Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 12, doanh số bán hàng đã giảm 17,1% so với một năm trước đó. Hoạt động đầu tư cho các dự án mới cũng chậm lại.

“Thị trường vẫn chưa chạm đáy. Vẫn còn một chặng đường dài để đi”, Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Giai đoạn suy thoái trước đây, Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào bất động sản và cơ sở hạ tầng để khởi động nền kinh tế. Thực tế nay đã khác. Các nhà phát triển gánh nợ nần, thành phố tràn ngập những ngôi nhà bỏ không còn chính quyền địa phương thì cạn kiệt tiền mặt sau vài năm gián đoạn vì COVID-19.

Nguyên nhân căn hộ trống đến từ nhiều lý do. Một là vì các nhà phát triển không hoàn thành việc xây dựng dang dở, hai là vì chủ nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp do bất đồng chính kiến.

“Trung Quốc đã xây dựng bất động sản và hỗ trợ cơ sở hạ tầng với tốc độ chóng mặt trong nhiều thập kỷ. Giờ đây, lợi nhuận đang giảm dần”, Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Harvard và Yuanchen Yang, nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nói.

Theo: Nikkei Asia, The New York Times

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cong-ty-bat-dong-san-trung-quoc-bi-gan-mac-thien-than-sa-nga-20516327.htm