Công ty chứng khoán nào có dư nợ cho vay khủng nhất năm 2023?

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 7 quý kể từ quý II/2022. Đáng chú ý, những công ty thường xuyên có quy mô cho vay khủng nhất như SSI, Mirae Asset, VNDirect... đã nhường lại vị trí cho cái tên mới.

Từ trung tuần tháng 11/2023 tới nay, thị trường chứng khoán bước vào giao đoạn hồi phục sau nhịp điều chỉnh cực mạnh. Nhờ đó, tâm lý nhà đầu tư cũng được cải thiện rõ rệt trong phần còn lại của năm 2023, thúc đẩy nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính gia tăng đáng kể.

Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2023 ước tính tăng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý III, đạt khoảng 180.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ cho vay lớn nhất trong vòng 7 quý kể từ quý II/2022. Trong đó, dư nợ ký quỹ (margin) ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, cũng tăng 13.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2023.

cong-ty-chung-khoan-nao-co-du-no-cho-vay-khung-nhat-nam-2023-1705896730.jpg
Đến cuối năm 2023 dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán đạt khoảng 180.000 tỷ đồng

Thứ hạng các công ty chứng khoán dẫn đầu về hoạt động cho vay tính đến cuối năm 2023 có sự xáo trộn mạnh mẽ. Nhiều tên tuổi thường xuyên nằm trong top đầu như SSI, Mirae Asset, VNDirect đã chững lại nhường vị trí cho các đối thủ có sự bứt phá mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, quán quân về cho vay gọi tên Chứng khoán Techcombank (TCBS) với số dư cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán đạt 16.619 tỷ đồng, tăng 78% so với đầu năm và tăng gần 3.800 tỷ đồng so với quý III/2023. Đây là lần đầu tiên TCBS vươn lên vị trí này kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008.

Bên cạnh đó một số cái tên như MBS, Vietcap, VPBankS cũng ghi nhận dư nợ cho vay tăng mạnh trong quý cuối cùng năm 2023. Cụ thể, các khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của MBS với hơn 9.000 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần đầu năm. Dư nợ margin của Vietcap đạt 7.612 tỷ đồng, tăng hơn 1.900 tỷ đồng chỉ sau một quý. Còn VPBankS ghi nhận dư nợ margin đạt 7.090 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với đầu năm.

Phần còn lại có HSC, VPS, FPTS cũng tăng dư nợ cho vay nhưng khiêm tốn hơn. Ngược lại, Mirae Asset và VNDirect là 2 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay sụt giảm mạnh nhất sau quý IV, tuy nhiên mức giảm không lớn so với quy mô.

Trước đó tính đến hết quý III/2023, dư nợ margin của 71 công ty chứng khoán trên thị trường đạt 166.993 tỷ đồng, tăng 16.400 tỷ đồng so với cuối quý II, tương đương tăng 11%. Thời điểm đó, thị trường ghi nhận 6 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng. VNDirect và HSC đã trở lại danh sách, trong khi Mirae Asset, SSI, TCBS và VPS tiếp tục duy trì mức dư nợ cho vay vạn tỷ.

Cụ thể, top 3 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất tính tới cuối quý III/2023 là Mirae Asset Việt Nam với hơn 15.300 tỷ đồng, SSI với 15.200 tỷ đồng và TCBS với 12.800 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, một trong những yếu tố kích thích nhu cầu đòn bẩy của nhà đầu tư là xu hướng giảm lãi suất ngân hàng trong phần lớn thời gian của năm 2023. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm góp phần giảm chi phí vốn cho các công ty chứng khoán qua đó tạo thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay margin.

Bên cạnh đó, triển vọng của chứng khoán Việt Nam cũng được đánh giá lạc quan trong năm 2024 nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi, câu chuyện nâng hạng ngày càng rõ ràng với việc KRX sớm đi vào vận hành,… 

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cong-ty-chung-khoan-nao-co-du-no-cho-vay-khung-nhat-nam-2023-2058621.htm