Công ty đại chúng 'gia đình trị' sau Luật doanh nghiệp 2020: Bên đi đến 'nội chiến', bên 'bình chân như vại'

Sau khi Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, có không ít doanh nghiệp đã thay đổi nhân sự cấp cao để phù hợp với quy định; tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp hiện nay, người trong gia đình vẫn đang cùng ngồi "ghế nóng" công ty.

Ngày 17/6/2020, Quốc Hội đã ban hành Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

Đáng chú ý, Điều 162 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định: Đối với công ty đại chúng, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp (bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị…).

Sau khi Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, có không ít doanh nghiệp đã thay đổi nhân sự cấp cao để phù hợp với quy định; tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp hiện nay, người trong gia đình vẫn đang cùng ngồi "ghế nóng" công ty.

Xây dựng Hòa Bình

cong-ty-dai-chung-gia-dinh-tri-sau-luat-doanh-nghiep-2020-ben-di-den-noi-chien-ben-binh-chan-nhu-vai-antt-1-1694596571.PNG
Chủ tịch Lê Viết Hải và con trai Lê Viết Hiếu.

Tháng 7/2020, ông Lê Viết Hiếu (SN 1992) - con trai ông Lê Viết Hải được bầu làm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (MCK: HBC) thay cho ông Lê Viết Hải. 

Thời điểm đó, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình thôi giữ vị trí Tổng Giám đốc để phù hợp với quy định về quản trị doanh nghiệp, khi chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm Tổng Giám đốc của cùng một công ty đại chúng.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, ông Lê Viết Hiếu từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc chuyển sang giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực HBC. Lý do ông Lê Viết Hiếu thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc được Hòa Bình cho biết là do công ty thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020

Để "thế hệ F2" có thể kế nghiệp, cuối năm 2022, ông Lê Viết Hải rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, nhường ''ghế nóng'' cho ông Nguyễn Công Phú. Đồng thời, Xây dựng Hòa Bình đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc vào ĐHĐCĐ năm 2023.

Thế nhưng, những mâu thuẫn nội bộ khiến cho bước chuyển giao quyền lực của Chủ tịch Lê Viết Hải không được diễn ra suôn sẻ khi cả ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải đều khẳng định mình là Chủ tịch hợp pháp của doanh nghiệp.

Đến tháng 1/2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình công bố hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023, ông Lê Viết Hải là Chủ tịch HĐQT còn ông Lê Viết Hiếu là Phó Chủ tịch HDDQT, Phó Tổng Giám đốc thường trực. Cơ cấu lãnh đạo Hoà Bình hiện đang đúng với quy định của Luật doanh nghiệp 2020.

Hóa Chất Đức Giang

cong-ty-dai-chung-gia-dinh-tri-sau-luat-doanh-nghiep-2020-ben-di-den-noi-chien-ben-binh-chan-nhu-vai-antt-2-1694596571.PNG
Hai cha con Chủ tịch Đào Hữu Huyền và Đào Hữu Duy Anh.

Trên thực tế, không chỉ có Xây dựng Hòa Bình, nhiều công ty đại chúng khác cũng có việc người trong cùng gia đình giữ vị trí quan trọng tại doanh nghiệp.

Tại Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (MCK: DGC), Chủ tịch Đào Hữu Huyền (SN 1956) là cha ruột của thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Đào Hữu Duy Anh (SN 1988). 

Được biết, ông Huyền giữ chức Chủ tịch HĐQT DGC từ năm 2007, còn ông Duy Anh giữ vai trò Tổng Giám đốc DGC từ tháng 3/2020.

Liên quan đến quy định luật yêu cầu tách bạch vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc không phải người thân, trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào ngày 29/3, Chủ tịch Đào Hữu Huyền cho biết, nhiệm kỳ của HĐQT hiện tại còn hai năm, hết nhiệm kỳ sẽ tách bạch. "Ai làm Chủ tịch, ai làm Tổng Giám đốc, đại hội 2025 sẽ rõ”, Chủ tịch DGC cho hay.

Thủy sản Minh Phú

cong-ty-dai-chung-gia-dinh-tri-sau-luat-doanh-nghiep-2020-ben-di-den-noi-chien-ben-binh-chan-nhu-vai-antt-3-1694596561.PNG
Vợ chồng "vua tôm" Minh Phú Lê Văn Quang- Chu Thị Bình. Ảnh: Forbes Việt Nam

Giống như 2 doanh nghiệp trên, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MCK: MPC) cũng là công ty đại chúng có tính "gia đình trị" khi các thành viên trong gia đình Chủ tịch Chu Thị Bình nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, bà Chu Thị Bình hiện đang là Chủ tịch HĐQT; còn ông Lê Văn Quang (chồng bà Bình) là Tổng Giám đốc. Con gái bà Bình là Lê Thị Dịu Minh hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú.

Việc vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang làm Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT 1 công ty đại chúng là trái với quy định tại Luật doanh nghiệp 2020. Mặc dù Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2021 nhưng đến nay, Thủy sản Minh Phú vẫn chưa có "động tĩnh" gì liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao của doanh nghiệp,

Theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023, tính đến ngày 30/6/2023, Chủ tịch Chu Thị Bình hiện đang sở hữu 70.221.660 cổ phiếu MPC (17,56% vốn doanh nghiệp). Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của ông Lê Văn Quang là 16,075%, tương ứng 64.281.600 cổ phiếu MPC.

Bạch Hiền

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cong-ty-dai-chung-gia-dinh-tri-sau-luat-doanh-nghiep-2020-ben-di-den-noi-chien-ben-binh-chan-nhu-vai-2054102.htm