Tại Việt Nam có một thương hiệu thép nổi tiếng lấy logo hình quả táo, đó là thép Pomina của công ty cổ phần thép Pomina.
Theo diễn giải của công ty, thép Pomina lấy logo hình quả táo, trong đó nổi bật hình ảnh hạt giống của trái táo mang ý nghĩa cốt lõi của mầm sống, cốt lõi của sự sống. Ý nghĩa này nói lên tầm quan trọng và đặc biệt của những gì được gửi gắm và mang trên mình biểu tượng này.
Cũng theo doanh nghiệp, như những mầm sống đem đến sự sống cho muôn loài, những mạch máu đem đến nguồn sống nuôi cơ thể, Thép Pomina mang đến nguồn sống cho những công trình trường tồn mãi mãi theo thời gian – Thép Pomina từ đó đã trở thành cốt lõi của sự sống.
Logo cũng là một biểu trưng của sự cam kết về chất lượng đối với tập thể HĐQT, Ban điều hành và toàn thể CBCNV Công ty Thép Pomina đối với những gì được mang trên mình hình ảnh này. Chất lượng để mãi mãi trường tồn chính là điều cốt lõi và cũng chính là Tôn Chỉ và Mục đích của Công ty.
Thêm vào đó hình ảnh quả táo tự thân vốn đã rất gần gũi với tất cả mọi người, được gắn lên một thanh thép sẽ là một hình ảnh đáng yêu, là một điểm gợi nhớ khi người ta bắt gặp nó lần đầu tiên và sẽ dễ “gọi lại” trong tâm trí mọi người mỗi khi cần nhớ đến một thương hiệu thép – thương hiệu Thép Trái Táo.
Năm 1999, trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh, hàng loạt các công trình xây dựng đòi hỏi một sản phẩm thép chất lượng cao. Đứng trước bối cảnh đó, Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thép Việt đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Thép Pomina 1 với công suất 300.000 tấn/năm và đưa vào sản xuất đầu năm 2002. Tổng số vốn đầu tư là 525 tỷ đồng.
Nhà máy Pomina 1 có khả năng sản xuất tất cả các chủng loại thép xây dựng theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Nga,… và rất nhanh đã chiếm lĩnh thị phần lớn trong phân khúc các công trình trọng điểm của đất nước. Thêm vào đó, đội ngũ CBCNV trẻ năng động đã được đưa đi đào tạo tại Ý và chuyên gia Ý thực hiện đào tạo tiếp tục tại Việt Nam cũng đã phát huy năng lực trong vận hành sản xuất.
Hệ thống phân phối của Công ty trải dài từ Bắc vào Nam do Công ty TNHH Thép Việt quản lý đã nhanh chóng đưa Thép Pomina là một trong những địa chỉ quen thuộc nhất của ngành thép ngay từ năm đầu tiên sản xuất.
Từ những yếu tố trên, ngay trong năm đầu tiên nhà máy đã có lãi và đạt công suất thiết kế vào năm thứ 2 của dự án.
Dàn cán thép 2 tiếp tục được bắt đầu xây dựng vào năm 2003 và bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2005, với công suất 300.000 tấn/năm, nâng tổng công suất lên 600.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 2 dàn cán là 68 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng).
Đến thời điểm cáo bạch thông tin lên sàn chứng khoán, Pomina có 1 Công ty con và 2 Nhà máy trực thuộc, bao gồm 5 dây chuyền sản xuất, trong đó có 3 dây chuyền cán thép và 2 dàn máy luyện thép. Tất cả các dây chuyền công nghệ của Pomina được thiết kế, sản xuất tại các nước Châu Âu, được các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn lắp đặt và vận hành.
Giai đoạn năm 2009 tới 2010, Pomina từng là doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, chiếm thị phần 29,37% sản lượng cả nước.
Nhìn ngược về quá khứ, đã từng có lúc Pomina kinh doanh bùng nổ, với lãi ròng mỗi năm lên tới 400-650 tỷ đồng như giai đoạn năm 2008-2011 và 2016-2018. Tuy nhiên, vốn là ngành mang nặng tính chu kỳ, hậu giai đoạn bùng nổ cũng là lúc kết quả kinh doanh của Pomina cực kỳ ảm đạm, lỗ nặng đến hòa vốn.
Lần kết quả kinh doanh khởi sắc gần nhất của Pomina diễn ra vào năm 2021 trong bối cảnh ngành thép bước vào giai đoạn cực kỳ thuận lợi và các doanh nghiệp thép thi nhau báo lãi. Tuy nhiên, chỉ ngay năm sau, khi ngành thép bước vào chu kỳ khó khăn, Pomina lỗ kỷ lục hơn 1,000 tỷ đồng, với giá thép lao dốc và nhu cầu tiêu thụ cực kỳ ảm đạm. Với hãng thép quả táo, nguyên nhân còn đến từ chi phí vận hành lò cao ngất ngưỡng.
Thép Pomina tiếp tục nối dài chuỗi khủng hoảng khi kinh doanh bết bát trong năm 2023. Trong quý IV/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 333 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 313 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 459,4 tỷ đồng.
Trong quý cuối năm 2023, lợi nhuận gộp chỉ tạo ra 22 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lên tới hơn 180 tỷ đồng, đồng thời hoạt động khác lỗ hơn 148 tỷ đồng, đây là hai nguyên nhân chính dẫn tới lỗ trong quý IV.
Thép Pomina cho biết, Nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí trong đó có chi phí lãi vay. Ngoài ra, Thép Pomina còn cho biết tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.
Luỹ kế trong năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ thêm 960 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.166,9 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina 1.271 tỷ đồng, bằng 45% vốn chủ sở hữu.
Trong diễn biến mới nhất, Pomina dự kiến trình cổ đông phương án tái cấu trúc toàn diện Pomina thông qua việc hợp tác với nhà đầu tư chiến lược (góp vốn bằng tiền) để thành lập pháp nhân mới là CTCP Pomina Phú Mỹ.
Theo POM, tiến trình tái cấu trúc mạnh mẽ, đặc biệt có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Công ty. Việc hợp tác chiến lược này sẽ cung cấp nguồn vốn cần thiết để POM khởi động lại lò cao luyên phôi thép.
Dự kiến, POM sẽ vận hành lại lò cao vào quý 4/2024 sau thời gian ngừng hoạt động để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào các tháng cuối năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 1/3 tới đây, Thép Pomina sẽ trình cổ đông kế hoạch nâng vốn đầu tư dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3 từ 4.975,2 tỷ đồng, lên 5.879,7 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 900 tỷ đồng.
Trọng Nghĩa