Cửa hàng tạp hóa ‘mất miếng cơm’ vì giao hàng nhanh: Điêu đứng sau 3 năm, doanh thu hụt từ 10-30%, chấp nhận mất lãi để thuê thêm nhân sự

Các startup giao hàng nhanh đang đe dọa kế sinh nhai của các chủ tiệm tạp hóa.

Sohail Abbas từng tự hào gọi cửa hàng tiện lợi của mình là ‘cockroach’ - thuật ngữ chỉ các công ty vì lợi nhuận có thể tồn tại qua thời kỳ khó khăn. Điều đó trái ngược hẳn với hiện tại, khi anh chàng đang lo ngại rằng các startup kỳ lân trị giá hơn 1 tỷ USD ngoài kia có thể sẽ cướp mất miếng cơm manh áo của mình.

Doanh số tại cửa hàng đã giảm 15% trong năm tính đến tháng 3. Sohail Abbas đổ lỗi khó khăn cho những đối thủ là startup đáng gờm, chẳng hạn như Blinkit, Zepto và Swiggy - những công ty đang thu hút những người Ấn Độ thành thị bằng dịch vụ giao hàng trong vòng chưa đầy 20 phút.

Mô hình giao hàng nhanh, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư lớn như Prosus có trụ sở tại Hà Lan và Glade Brook Capital Partners, công ty hậu thuẫn Airbnb, mới chỉ tồn tại được 3 năm tại Ấn Độ. Nó nhanh chóng tác động mạnh đến các cửa hàng tạp hóa trong khu phố và ảnh hưởng đến kế sinh nhai của những chủ tiệm như Abbas.

Sự phổ biến tăng vọt của mô hình mới đặt ra câu hỏi về tương lai các cửa hàng địa phương vốn từ lâu đã thống trị ngành bán lẻ tạp hóa với doanh số lên tới 590 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2024. Các nhà bán lẻ như Abbas, những người thường nhận đơn đặt hàng giao hàng qua điện thoại, vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

“Hầu hết mọi người đến cửa hàng của tôi để mua hàng theo ý thích và không có kế hoạch trước. Đó là phân khúc mà quick commerce đang nhắm đến”, Abbas nói. “Để cạnh tranh với những công ty khởi nghiệp này, tôi sẽ phải thuê ít nhất 2 người giao hàng tận nhà để duy trì khối lượng đơn hiện tại. Điều đó sẽ làm giảm lợi nhuận của tôi”.

Kirana Club, cộng đồng mạng lưới các cửa hàng địa phương, đã tiến hành một cuộc khảo sát tại 9 thành phố vào tháng 4 và phát hiện ra rằng khoảng 30% trong số 900 người được hỏi đang mất từ 10% đến 30% doanh số vào tay các công ty khởi nghiệp giao hàng nhanh.

“Tạp hóa trực tuyến đã tác động đến các cửa hàng thương mại hiện đại và các cửa hàng lân cận. Giao hàng nhanh là tác nhân gây gián đoạn lớn nhất vì nó mang lại sự hài lòng tức thời”, Anshul Gupta, người sáng lập Kirana Club cho biết.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty khởi nghiệp giao hàng nhanh, được hỗ trợ bởi sự gia tăng sử dụng dịch vụ kỹ thuật số do đại dịch, Ấn Độ đang đi ngược lại xu hướng toàn cầu. Các công ty khởi nghiệp như Buyk, Fridge No More và Zero Grocery đã đóng cửa tại Mỹ vì nguồn tài trợ cạn kiệt, trong khi Châu Âu chứng kiến một loạt các thương vụ mua lại cứu nguy.

“Ở phương Tây, các công ty có tổ chức như Walmart, Costco, Carrefour, v.v. chiếm phần lớn trong lĩnh vực bán lẻ hàng tạp hóa”, Kushal Bhatnagar, đối tác liên kết tại công ty tư vấn Redseer có trụ sở tại Bengaluru, cho biết. “Đề xuất về thương mại nhanh tương đối yếu ở những khu vực này vì mọi người đã có trải nghiệm mua sắm tốt. Còn tại Ấn Độ, các cửa hàng bán lẻ lại không mang lại ưu thế như vậy. Trải nghiệm mua hàng kém hơn Mỹ và châu Âu”.

Cửa hàng tạp hóa ‘mất miếng cơm’ vì giao hàng nhanh: Điêu đứng sau 3 năm, doanh thu hụt từ 10-30%, chấp nhận mất lãi để thuê thêm nhân sự- Ảnh 1.

Giao hàng nhanh phù hợp với các quốc gia đông dân như Ấn Độ. Với 473 người trên một km vuông vào năm 2021, Ấn Độ có mật độ dân số gấp 13 lần Mỹ, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.

Các công ty giao hàng nhanh vận hành nhiều kho hàng, đảm bảo rằng đội quân nhân viên giao hàng bằng xe máy sẽ nhận đơn hàng từ một địa điểm cách vị trí của khách không quá 3 km. Bhatnagar cho biết: “Các cửa hàng này chỉ khả thi khi có nhiều người sống xung quanh, nếu không chi phí hoạt động sẽ tăng lên”.

Các nhà đầu tư mạo hiểm từng hoài nghi trước đây đã bắt đầu chú ý đến lĩnh vực giao hàng nhanh.

Zepto là một trong hai công ty khởi nghiệp duy nhất của Ấn Độ vần vượt qua mốc định giá 1 tỷ USD vào năm 2023 dù trong bối cảnh đầu tư tư nhân giảm mạnh, theo Venture Intelligence. Startup này đã huy động được 665 triệu USD vào tháng 6 từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm Glade Brook và Nexus Venture Partners, với mức định giá tăng gấp đôi lên 3,6 tỷ USD.

Vaibhav Domkundwar, người sáng lập Better Capital, ban đầu nghi ngờ rằng liệu giao hàng nhanh có thể tạo ra sức hút lớn đối với người tiêu dùng hay không. “Phần lớn các nhà đầu tư nghĩ rằng chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số quan tâm đến giao hàng nhanh vì các cửa hàng trong khu phố nằm ngay gần đó. Đó là sự lãng phí thời gian và tiền bạc”, ông nói.

Ngay sau đó, người đàn ông này đã có câu trả lời cho riêng mình.

Tổng doanh số gộp tích lũy của các nền tảng giao hàng nhanh trong năm tài chính gần nhất đạt 3,3 tỷ USD, so với chỉ 500 triệu USD 2 năm trước đó, theo ước tính của Redseer. Công ty đầu tư JM Financial cho biết trong một báo cáo vào tháng 2 rằng doanh số giao hàng nhanh hàng năm có thể vượt quá 40 tỷ USD vào năm 2030.

“Những ứng dụng giao hàng nhanh đang khắc phục tình trạng bán lẻ ngoại tuyến hiện tại của chúng ta”, Vaibhav Domkundwar nhận định và cho biết Better Capital đang hỗ trợ một công ty khởi nghiệp giao hàng nhanh tập trung vào thời trang.

Theo các nhà quan sát trong ngành, khi các công ty khởi nghiệp giao hàng nhanh tham gia vào các dự án mới như thời trang, đồ điện tử hoặc sản phẩm làm đẹp, một cuộc chiến khốc liệt với Amazon và Flipkart là điều khó tránh khỏi. Khoảng 80% doanh số bán hàng trực tuyến tại nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thú cưng Dogsee đến từ các công ty khởi nghiệp như vậy.

“Hai năm trước, thị phần của các ứng dụng giao hàng nhanh là 0”, Bhupendra Khanal, người sáng lập Dogsee, cho biết. “Bất kỳ ai không sử dụng ứng dụng sẽ mất doanh thu vì khách hàng đã thay đổi thói quen mua sắm của họ. Nó giống như cuộc cách mạng tin nhắn tức thời. Tôi nghĩ các công ty thương mại điện tử sẽ phải đảm bảo giao hàng nhanh nhất có thể”.

Tuy nhiên, vẫn có rủi ro với những công ty khởi nghiệp giao hàng nhanh. Hạn chế không việc dự trữ kho hàng có thể khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi lựa chọn mua sắm.

“Chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng đáng kể trong vài năm tới, nhưng sau đó giảm dần vì họ không tận dụng được người dùng ở các thành phố lớn nữa. Mô hình này không thể sao chép được ở các thành phố nhỏ hơn”, Bala Sarda, giám đốc điều hành của thương hiệu trà Vahdam, nhận định.

Theo: Nikkei Asia 

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cua-hang-tap-hoa-mat-mieng-com-vi-giao-hang-nhanh-dieu-dung-sau-3-nam-doanh-thu-hut-tu-10-30-chap-nhan-mat-lai-de-thue-them-nhan-su-20517343.htm