Cuối tháng 8, gửi tiết kiệm ở đâu hưởng lãi suất cao nhất?

Đối với khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng hiện ở mức 6,1%/năm.

Kể từ đầu tháng 8 tới nay (25/8), thị trường ghi nhận có 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: Eximbank, ACB, Agribank, Sacombank, Saigonbank, VietBank, TPBank, CBBank, VIB, Dong A Bank, VPBank, Techcombank, SHB, VietBank, PVCombank, Nam A Bank.

Sau đợt điều chỉnh này, hiện thị trường ghi nhận 9 ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm trên 6%/năm.

Cu thể, ngân hàng NCB và ngân hàng OceanBank niêm yết cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 18-36 tháng hiện ở mức 6,1%/năm. Cake by VPBank cũng niêm yết 6,1% khi khách hàng gửi tiền từ 24-36 tháng. Ngân hàng Bac A Bank, SHB và Saigonbank áp dụng mức lãi suất này ở kỳ hạn 36 tháng. HDBank niêm yết mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.

Còn ở kỳ hạn 12 tháng, ABBank và SeABank niêm yết mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm. Trước đó, 2 ngân hàng này từng công bố mức lãi suất cao nhất lên đến 6,2%/năm, nhưng cả hai đều điều chỉnh giảm kể từ đầu tháng 8.

Cake by VPBank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng ở mức 6%/năm khi khách hàng nhận lãi cuối kỳ.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về diễn biến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng tháng 7/2024, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4-3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất tiết kiệm tăng trong thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế phân tích, có nhiều ngân nhân khiến xu hướng này lan rộng. Theo đó, lãi suất tăng là do lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, mức tăng lãi suất huy động cũng chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó,việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng, vì thế lãi suất cho vay được nhận định vẫn tiếp tục ở mức thấp, kể cả trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng nhẹ thời gian tới.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia này, sự điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng, Một số ngân hàng cho biết, điều chỉnh lãi suất huy động nhích lên nhằm chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm. Một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn.

Chung quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, sự khởi sắc của tín dụng khiến các ngân hàng cần tiền. Chưa kể, bởi lãi suất tiết kiệm thấp nên các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng đã hút một lượng lớn tiền nhàn rỗi trên thị trường. Ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm. Ngoài ra, theo ông Hiếu, nền kinh tế hiện khởi sắc nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.

Các chuyên gia cũng dự báo, lãi suất tiết kiệm sẽ còn tiếp tục tăng nhẹ từ nay đến cuối năm.

Đức Anh

C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cuoi-thang-8-gui-tiet-kiem-o-dau-huong-lai-suat-cao-nhat-205242508081448864.htm