Đà Nẵng: Ứng dụng trạm hoán đổi pin xe điện hai bánh bảo vệ môi trường

Bộ Công Thương, USAID và Selex Motor phối hợp tổ chức Khánh thành trạm hoán đổi pin xe điện hai bánh đầu tiên tại TP.Đà Nẵng.

Ngày 18/9/2024, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) phối hợp với Công ty Cổ phần Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors) đã khánh thành trạm hoán đổi pin xe điện hai bánh được lắp đặt tại TP.Đà Nẵng, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng mô hình Đô thị sử dụng hiệu quả & tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2019 - 2030.

Được biết, sau Hà Nội và TP.HCM thì đây là trạm hoán đổi pin xe điện hai bánh đầu tiên tại TP.Đà Nẵng.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II" (V-LEEP II) của Bộ Công Thương do USAID tài trợ.

Đà Nẵng: Ứng dụng trạm hoán đổi pin xe điện hai bánh bảo vệ môi trường- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Lễ khánh thành.

Tham dự và chứng kiến sự kiện có bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; Bà Aler Grubbs - Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng, Ông Ananth Chikkatur – Giám đốc Dự án V-LEEP II; Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc Selex Motors cùng đại diện là các đối tác doanh nghiệp giao vận của Selex Motors tại Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc cho giai đoạn 2019 - 2025 và từ 8 - 10% cho giai đoạn 2019 - 2030, trong đó giảm 5% lượng tiêu thụ xăng, dầu trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của ngành và xây dựng được một mô hình đô thị sử dụng hiệu quả năng lượng vào năm 2025.

Triển khai các nhiệm vụ của Chương trình VNEEP3, Bộ Công Thương đã phối hợp với Dự án V-LEEP II và lựa chọn TP.Đà Nẵng để triển khai nhiều giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành mô hình đô thị sử dụng hiệu quả năng lượng đầu tiên của Việt Nam.

Với việc khánh thành trạm hoán đổi pin xe điện hai bánh đầu tiên tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương hy vọng sẽ tạo cơ sở ban đầu tốt, là nền tảng để Selex Motors tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng hỗ trợ cho phát triển xe điên hai bánh, nhanh chóng phổ biến việc sử dụng xe điện nói chung, xe điện hai bánh nói riêng tại Đà Nẵng cũng như các địa phương khác của Việt Nam.

Đà Nẵng: Ứng dụng trạm hoán đổi pin xe điện hai bánh bảo vệ môi trường- Ảnh 2.

Cũng theo bà Giang, sự tham gia, đóng góp của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển xe điện chắc chắn sẽ có những đóng góp quan trọng cho việc đạt các mục tiêu của Chương trình VNEEP3 trong lĩnh vực giao thông, phát triển và nhân rộng mô hình đô thị sử dụng hiệu quả năng lượng của Đà Nẵng ra thành phố khác của Việt Nam.

"Không chỉ riêng xe máy điện Selex mà các xe điện khác cũng có thể dùng chung hạ tầng năng lượng này. Từ đó thúc đẩy TP.Đà Nẵng sớm trở thành thành phố điển hình trong việc chuyển đổi xanh và đạt mục tiêu sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng", bà Nguyễn Thị Lâm Giang đánh giá về trạm hoán đổi pin chia sẻ của Selex Motors.

Đồng quan điểm, bà Aler Grubbs - Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam chia sẻ: "Thật đáng mừng khi Selex Motors đã có giải pháp tiên phong, có khả năng đổi cục diện trong việc chuyển đổi xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng. Thay vì chờ hàng giờ chờ sạc pin thì giờ đây người đi xe điện có thể đổi pin chỉ trong 2 phút."

Selex Motors là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong khu vực và tại Việt Nam xây dựng và phát triển mạng lưới trạm hoán đổi pin chia sẻ. Với công nghệ bản quyền, pin Selex là pin đầu tiên được thiết kế theo hướng tiêu chuẩn hoá với khả năng tương thích với 70% các dòng xe máy điện trên thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Lợi thế này giúp khách hàng của rất nhiều hãng xe điện khác có thể chia sẻ cùng một mạng lưới đổi pin, mở ra cơ hội xây dựng hạ tầng năng lượng chung cho xe máy điện.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên- Tổng Giám đốc Selex Motors chia sẻ, với sự hỗ trợ của chương trình VLEEP II và TP.Đà Nẵng, Selex Motors đã triển khai 4 trạm đổi pin trong tháng 8 và sẽ triển khai ít nhất 20 trạm đổi pin tự động trong thời gian tới trên địa bàn thành phố, ưu tiên cho các hoạt động du lịch và chạy xe công nghệ.

Công ty sẽ xây dựng trạm đổi pin kết nối Huế, Đà Nẵng và Hội An, tạo nên hành lang du lịch bằng xe máy điện dọc tuyến đường đầy tiềm năng này.

Đà Nẵng: Ứng dụng trạm hoán đổi pin xe điện hai bánh bảo vệ môi trường- Ảnh 3.

Tổng Giám đốc Selex Motors Nguyễn Hữu Phước Nguyên.

Trước Đà Nẵng, Selex Motors đã phát triển khoảng 80 điểm đổi pin chia sẻ tại Hà Nội, TP.HCM, Huế. Việc ra mắt mạng lưới đổi pin chia sẻ cho thấy các hãng xe điện khác nhau hoàn toàn có thể sử dụng chung một hạ tầng năng lượng tương tự xe xăng.

"Sự hỗ trợ của Bộ Công thương, TP.Đà Nẵng, và USAID là một ví dụ tốt cho mô hình hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang giao thông xanh. Phát triển xe điện là một bài toán lớn mà không một doanh nghiệp nào có thể tự giải quyết được. Sự hỗ trợ về mặt chính sách từ Chính phủ và chính quyền địa phương, cũng như kinh nghiệm và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế những điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể chuyển đổi sang giao thông xanh nhanh chóng và hiệu quả", ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên bày tỏ.

Theo một nghiên cứu độc lập từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), việc sử dụng xe máy điện Selex Camel giúp các tài xế tiết kiệm 35% chi phí vận hành và tăng 35% thu nhập hàng tháng. Một bác tài nếu di chuyển 4500km mỗi tháng có thể tiết kiệm lên tới 20 triệu đồng mỗi năm so với xe xăng.

Chính vì vậy start-up xe điện này cũng là đối tác của nhiều đơn vị vận tải lớn như Be, Grab, Lazada, ShopeeFood, Sagawa Express…

Phạm Thị Tâm

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/da-nang-ung-dung-tram-hoan-doi-pin-xe-dien-hai-banh-bao-ve-moi-truong-205240919124249351.htm