Ngày mai (12/8), phiên toà xét xử 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng sẽ tiếp tục với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo trong nhóm trung tâm đăng kiểm 50-05V và phần đối đáp của VKSND TP.HCM.
Theo hồ sơ vụ án, CSGT phát hiện 2 xe tải cơi nới thành thùng, thông số kỹ thuật không đúng quy chuẩn vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định nên chuyển cơ quan điều tra.
Từ manh mối này, Công an TP.HCM lần ra sai phạm của 2 cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình, cùng hơn 200 người khác tại 14 trung tâm đăng kiểm ở thành phố, tỉnh Long An, Bến Tre và Sóc Trăng.
Qua quá trình điều tra, truy tố cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra và truy tố tổng cộng 254 bị can về 11 tội danh, gồm: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.
Trong đó, bị cáo Trần Kỳ Hình bị xét xử về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bị cáo Đặng Việt Hà bị xét xử về tội Nhận hối lộ.
Theo đại diện VKS, 2 bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm cao nhất khi đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ và đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, để xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài.
Trong đó, bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ là hơn 40,2 tỷ đồng; trong đó có 31 tỷ đồng nhận của phòng kiểm định xe cơ giới và hơn 9 tỷ đồng từ các trung tâm đăng kiểm và các giám đốc trung tâm đăng kiểm khác. Bị cáo Hà hưởng lợi số tiền 8,55 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Kỳ Hình ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền đã nhận từ Phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm, còn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD là tiền nhận hối lộ từ 63 cơ sở đóng tàu để bỏ qua các sai phạm trong quá trình kiểm định, duyệt cấp đủ năng lực hoạt động.
Theo VKS, bị cáo Trần Kỳ Hình khi phát hiện có sai phạm, tiêu cực đã không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ với tổng số tiền là 7,1 tỷ đồng.
Tại phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình- cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, 18-19 năm tù về tội nhận hối lộ và 5-6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt đề nghị từ 23-25 năm tù.
Đối với bị cáo Đặng Việt Hà, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 20 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Đối với các bị cáo khác, đại diện VKS cho rằng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, đại diện VKS đề nghị mức án tương xứng.
Mai Linh (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dai-an-dang-kiem-hai-cuu-cuc-truong-nhan-hoi-lo-so-tien-lon-205240811131646775.htm