Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý đầu năm, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai, với 1,23 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng vốn đăng kí cấp mới (sau Singapore).
Về đầu tư, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc có 5111 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD.
Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đang đầu tư và có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, sản xuất ô tô và bất động sản.... Dưới đây là một số nhà đầu tư tiêu biểu:
Tập đoàn BOE Technology Group
Năm 2019, Công ty TNHH Công nghệ Điện tử nghe nhìn BOE (VN) được thành lập. Công ty đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II, tỉnh Đồng Nai với diện tích 60.000 m2 và có khoảng 1.000 nhân viên. Nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm tivi; màn hình; bảng giá điện tử ESL và bo mạch SMT.
Năm 2024, BOE tiếp tục khởi công nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2 tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Nhà máy có quy mô công suất gần 135 triệu sản phẩm/năm, giá trị sản lượng ước tính khoảng 1 tỷ USD/năm và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.
Tập đoàn BOE được thành lập năm 1993, hoạt động kinh doanh chủ yếu tại Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam…
BOE trở thành đối tác của các công ty công nghệ hàng đầu trong nước như Hisense, Huawei trước khi sản xuất màn hình cho LG (từ năm 2020) và Apple (2021).
Tập đoàn Goertek
Hơn 10 năm qua, Goertek đã mở rộng đầu tại Việt Nam thông qua 3 công ty đặt tại Bắc Ninh, bao gồm Công ty TNHH Goertek Vina, Công ty TNHH Goertek Technology Vina và dự án mới nhất, công ty TNHH Goertek Electronics Vietnam.
Tính đến nay, Goertek đã đầu tư 4 dự án tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và đều thuộc hệ thống các KCN do Kinh Bắc đầu tư, quản lý với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,3 tỷ USD.
Trong đó, hai dự án tại KCN Quế Võ có tổng vốn đầu tư đăng ký 625 triệu USD và hai dự án tại KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh có tổng vốn đầu tư đăng ký 690 triệu USD.
Goertek là một trong 3 doanh nghiệp FDI lớn nhất sản xuất gia công cho Apple tại Việt Nam, sau Foxconn và Luxshare. Ngoài sản xuất nhiều thiết bị điện tử khác, như tai nghe, kính thực tế ảo, flycam, loa điện thoại... với công suất 1,1 tỷ sản phẩm mỗi năm, Goertek còn mở rộng sản xuất thiết bị bay không người lái (UAV).
Tập đoàn Texhong
Texhong lần đầu tiên vào Việt Nam vào năm 2006. Trong gần 20 năm qua, tập đoàn đã đầu tư tổ hợp 5 nhà máy sợi ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào năm 2006, với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD.
Năm 2012, Texhong tiếp tục xây dựng một nhà máy sợi 300 triệu USD ở Quảng Ninh. Năm 2014, Texhong đã nhận giấy chứng nhận đầu tư và chính thức khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD.
Tập đoàn này đồng thời cũng rót thêm 300 triệu USD để thực hiện Dự án Chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại chính Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.
Tập Đoàn Texhong là nhà cung cấp sợi bọc dẻo lớn nhất toàn cầu, chuyên sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dệt thời thượng mang giá trị cao, hiện đã trở thành TOP 10 doanh nghiệp vững mạnh có sức cạnh tranh lớn nhất trong ngành dệt sợi bông Trung Quốc.
Tập đoàn Runergy
Runergy đầu tư dự án khoảng 440 triệu USD, trên diện tích 30 ha tại KCN Hoàng Mai I, tỉnh Nghệ An, chính thức đi vào sản xuất từ tháng 6/2024. Nhà máy có công suất thiết kế 14.635 tấn thanh silic/năm, 995 triệu tấm đĩa bán dẫn 182 mm/năm; sản phẩm dịch vụ cung cấp gồm: thanh silic, đĩa bán dẫn và hoạt động cho thuê nhà xưởng.
Tập đoàn Runergy thành lập vào năm 2013, đến nay đã trở thành một trong những công ty công nghệ năng lượng mặt trời lớn nhất của Trung Quốc. Runergy đã thành lập được 17 nhà máy hoạt động tại nhiều nước. Hiện nay mỗi năm Runergy sản xuất được 130.000 tấn silic đa tinh thể cùng nhiều tấm tế bào quang điện.
Trong một năm trở lại đây, hàng loạt tập đoàn lớn Trung Quốc rục rịch lên kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Ngày 14/4, FECON và Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) kí MoU phối hợp phát triển loạt lĩnh vực trọng điểm như các tuyến đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao; phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD; các dự án lấn biển, cảng biển & logistic; các dự án hạ tầng năng lượng như điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, điện tích năng quy mô lớn tại thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực.
Wingtech, nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, đang khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. Sunwoda đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Giang, với dự án trị giá 300 triệu USD. Chery đã liên doanh với Tập đoàn Geleximco để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện Omoda và Jaecoo tại Thái Bình, với vốn đầu tư hơn 800 triệu USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận dư địa đầu tư FDI từ Trung Quốc còn nhiều, nhất là những dự án lớn, trọng điểm và hợp tác công nghệ cao.
HSBC nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc đang tiên phong và mở rộng quy mô các công nghệ số, không quá bất ngờ khi doanh nghiệp nước này nhận ra cơ hội tăng trưởng ở nước láng giềng.
Phan Trang
Đàm Thị Thuý Vân