Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Nêu ý kiến thảo luận tại Quốc hội, Đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết, thời gian gần đây việc các cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng - cử tri đặc biệt quan tâm vấn đề này. Về cơ bản cử tri rất đồng tình, tuy nhiên vẫn có những vướng mắc cụ thể từ phía các doanh nghiệp dẫn đến hiện tượng không ít doanh nghiệp tạm thời đóng cửa.
Ngày 25/4 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp Tây Ninh đã tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các cơ quan quản lý liên quan. Từ đây Hiệp hội này đã tổng hợp và gửi một số kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng. Nguyên nhân của khó khăn này là phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng là doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp theo yêu cầu của quản lý nhà nước. Do đó tài sản, hàng hóa, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng. Ví dụ số vàng của gia đình từ nhiều đời để lại được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cũng không kê khai.
Bên cạnh đó, việc mua vàng lẻ của người dân mang đến bán do thói quen thì doanh nghiệp không kê khai thông tin. Và người dân cũng ngại không cung cấp thông tin cá nhân. Do đó, để thuận lợi cho việc mua bán, doanh nghiệp không lấy thông tin. Hơn nữa vàng mua từ nhiều người dân, nấu chung không thể xác minh nguồn gốc…những điều này gây khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý của nhà nước.
Về mặt quản lý nhà nước, mặc dù đã có những quy định rõ ràng từ lâu nhưng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, khiến cho doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các quy định.
Từ thực trạng trên, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất cho phép các doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho theo một thời điểm mà nhà nước quy định, bảng kê khai này là căn cứ để xác định nguồn gốc vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa xuất nhập doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định về quản lý liên quan.
Ngọc Điệp
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dai-bieu-quoc-hoi-doanh-nghiep-kinh-doanh-vang-keu-kho-chung-minh-nguon-goc-xuat-xu-vang-20515048.htm