Đại diện Vingroup hiến kế cho du lịch Việt: Cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao để thu hút du khách

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết trong thời gian tới, Vinpearl dự kiến đầu tư 4 dự án khách sạn, cùng các tổ hợp công viên safari, công viên chủ đề và sân golf trong các dự án phức hợp; đồng thời đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các tên tuổi lớn như Melia và Marriott để nâng tầm cho hệ thống.

Đại diện Vingroup: Vinpearl sẽ đẩy mạnh hợp tác chiến lược với Melia và Marriott để nâng tầm cho hệ thống - Ảnh 1.

Đại diện Tập đoàn Vingroup phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11. Ảnh: VGP.

Sáng 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, nhằm tìm lời giải cho các bài toán ngắn hạn và dài hạn của ngành du lịch.

Du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua đã khởi sắc hơn. Đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách nội địa đạt 99 triệu lượt.

Tuy nhiên, khách quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch vẫn đối mặt nhiều thách thức, vướng mắc, những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được.

Trong bối cảnh đó, đại diện Tập đoàn Vingroup – doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động 20 năm trong ngành đã đưa ra một số ý kiến tại hội nghị.

"Năm 2023, thế giới đối diện nhiều bất ổn. Du lịch Việt Nam cũng thế. Thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo. Đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch", đại diện Vingroup phát biểu.

Hiện nay, thương hiệu Vinpearl thuộc Vingroup đã phát triển 45 cơ sở tại 17 tỉnh thành trên toàn quốc với công suất trên 18.500 phòng; 5 sân golf (4 sân golf tại Việt Nam và 1 sân golf tại Australia); 7 khu vui chơi giải trí, công viên chủ đề và Safari.

"Trong thời gian tới, Vinpearl dự kiến đầu tư 4 dự án khách sạn, đi cùng với đó là các tổ hợp công viên safari, công viên chủ đề và sân golf trong các dự án phức hợp; đồng thời đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các tên tuổi lớn như Melia và Marriott để nâng tầm cho hệ thống", đại diện Vingroup cho hay.

Hồi tháng 2/2022, Vinpearl và Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới Melia Hotels International đã công bố lộ trình hợp tác chiến lược. Theo đó, Vinpearl sẽ hợp tác chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho Melia Hotels International trong thời hạn tối thiểu 10 năm. Chuỗi 12 khách sạn sau chuyển giao sẽ mang thương hiệu mới "Melia Vinpearl", tương tự các chuỗi thương hiệu tiêu chuẩn chất lượng 5 sao toàn cầu khác như Melia Hotels & Resorts, Sol by Melia và INNSiDE by Melia.

Đại diện Vingroup: Vinpearl sẽ đẩy mạnh hợp tác chiến lược với Melia và Marriott để nâng tầm cho hệ thống - Ảnh 2.

Nguồn: Vinwonders.

Bên cạnh đó, Vinpearl còn liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ - thị trường mới nổi gần đây; xây dựng hệ thống đại lý chiến lược rộng khắp, trực tiếp mang thông tin, dịch vụ của Vinpearl nói riêng và các điểm đến của Việt Nam nói chung tới du khách quốc tế.

Để du lịch Việt Nam thực sự khởi sắc, phía Vingroup đề xuất 5 giải pháp.

Thứ nhất, chúng ta rất cần có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Thứ hai, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặt biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.

Thứ ba, cần nâng cao tỷ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh.

Thứ tư, xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia.

Thứ năm, cần có chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.

Minh Anh

Minh Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dai-dien-vingroup-hien-ke-cho-du-lich-viet-can-kien-tao-nhung-diem-den-vua-mang-ban-sac-viet-vua-co-tinh-quoc-te-cao-de-thu-hut-du-khach-2055669.htm