Ngày 6/11, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1) tiếp tục với phần xét hỏi của HĐXX đối với các bị cáo là cựu lãnh đạo SCB và những bị cáo liên quan trong việc ký duyệt cho vay của SCB.
Trong số này, có các bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải, cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB; Chiêm Minh Dũng, cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB; Diệp Bảo Châu, cựu Phó Tổng giám đốc SCB; Đỗ Phú Huy, cựu Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và Đầu tư SCB; Mai Hồng Chín, cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định của SCB; Trần Thuận Hòa (thành viên HĐQT SCB); Lê Khánh Hiền, Tổng Giám đốc SCB)…
Đây là nhóm bị cáo được xem là lãnh đạo "đời đầu" của SCB, bị xét xử về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Nhìn chung các bị cáo trong nhóm này đều xin giảm nhẹ hình phạt, trình bày về hoàn cảnh ký duyệt các hồ sơ vay là để cứu SCB giảm thiểu nợ xấu, cơ cấu lại các khoản vay và trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ mới.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải cho biết, tại thời điểm ký các hồ sơ đã không nhận thức được sai phạm của mình. Trong suốt thời gian công tác tại SCB, bị cáo Hải chủ yếu ký các giấy tờ theo tờ trình đã có sẵn và không biết những vấn đề có sai phạm trong các hồ sơ đã ký. Cho đến phiên tòa sơ thẩm, khi được giải thích bị cáo Hải mới biết tất cả các tờ trình mà mình đã ký duyệt đều không đúng với thực tế.
Tương tự, bị cáo Lương Thị Hồng Quế, với vai trò Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng khách hàng doanh nghiệp (tái thẩm định) tại SCB, bị cáo buộc từ tháng 11/2021-9/2022, đã ký duyệt 4 tờ trình tái thẩm đồng ý cho 4 khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay tổng cộng 46 khoản vay tại SCB. Đến ngày 17/10/2022, tổng dư nợ của các khoản vay này lên đến 700 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Quế biết rõ các khoản vay này thực chất là hợp thức hóa hồ sơ vay vốn, giải ngân và rút tiền để nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng trái với mục đích vay vốn đã cam kết.
Tại phiên tòa, bị cáo Quế trình bày rằng vào thời điểm ký duyệt các hồ sơ vay, bị cáo mới nhận nhiệm vụ tái thẩm. Bị cáo nghĩ mình chỉ thực hiện thủ tục tái thẩm cho các hồ sơ vay vốn cũ của Công ty Lavifood và không hề biết rằng công ty này đã được bị cáo Trương Mỹ Lan mua lại.
Bị cáo Trần Thuận Hòa, với vai trò là thành viên HĐQT SCB đã ký duyệt đồng ý cho 71 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay, gây thiệt hại 2.371 tỷ đồng.
Bị cáo Hòa khai, khi làm việc tại SCB đã tập trung vào việc xử lý nợ xấu sau khi hợp nhất 3 ngân hàng, các hồ sơ vay mà bị cáo duyệt chỉ với mục đích là giúp SCB giảm nợ xấu chứ không có động cơ khác.
Bị cáo khác là Lê Khánh Hiền (được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc SCB từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2014) cho biết, khoảng một năm đầu sau khi tái cơ cấu SCB, tình trạng của ngân hàng này rất khó khăn.
Tuy nhiên, bị cáo đã cố gắng làm việc và mang lại nhiều kết quả khả quan. Trong đó, có việc ổn định thanh khoản, ngăn người dân rút tiền hàng loạt và hoàn thành việc chi trả 22.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước…
"Ở cương vị là Tổng Giám đốc SCB được 11 tháng, bị cáo nghỉ việc và từ đó đến nay không biết hoạt động của SCB thế nào. 11 năm sau, cơ quan điều tra khởi tố vụ án và bị cáo bị bắt", bị cáo Hiền trình bày.
Cũng theo bị cáo Hiền, sau khi bị tuyên án sơ thẩm, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đến nay bị cáo tiếp tục nộp khắc phục hậu quả được thêm 100 triệu đồng và trình bày thêm một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt để HĐXX xem xét.
Đối với bị cáo Mai Hồng Chín (cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định của SCB), bị cáo thừa nhận đã không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng và hiểu sai về bản chất của quá trình tái cơ cấu.
Ngoài ra, do tin tưởng sự chỉ đạo của các lãnh đạo cấp trên vào thời điểm đó trong việc ký các hồ sơ đảo nợ tại SCB nên để lại hậu quả và hệ lụy lâu dài như bây giờ. Theo bị cáo Chín, dù hoàn cảnh khó khăn những vẫn nỗ lực nộp tiền khắc phục hậu quả để giảm bớt thiệt hại, với hy vọng được HĐXX xem xét, giảm án.
Bị cáo Phạm Văn Phi, trình bày cấp sơ thẩm chưa xem xét tình tiết bị cáo nhận được bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và thêm tình tiết giảm nhẹ mới là đã vận động gia đình khắc phục thêm 200 triệu đồng (sơ thẩm nộp 120 triệu).
Cũng là cựu phó Tổng giám đốc SCB, bị cáo Diệp Bảo Châu mong tòa án cấp phúc thẩm xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ tích cực phối hợp với cơ quan điều tra (tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét áp dụng). Tiếp đến là xem xét thêm tình tiết bản thân là thu nhập chính trong gia đình, gia đình không còn thu nhập nào khác nhưng vẫn vận động gia đình khắc phục hậu quả.
Hà Ly (t/h)
Hà Thị Lưu Luyến
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dan-cuu-lanh-dao-scb-khai-phe-duyet-ho-so-vay-von-vi-muon-giam-thieu-no-xau-205241106161257355.htm