Bước sang tháng 7/2025, một số ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai mức lãi suất tiết kiệm ở mức rất cao nhưng chỉ áp dụng với khách hàng gửi tiền quy mô cực lớn.
Trong đó, ABBank đang dẫn đầu thị trường với mức 9,65%/năm dành cho khách hàng cá nhân mở mới hoặc tái tục tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
PVcomBank cũng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 9%/năm cho kỳ hạn 12–13 tháng, với điều kiện khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 2.000 tỷ đồng khi gửi tại quầy.
HDBank trả mức lãi 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, dành cho khách có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.
Ngoài các ngân hàng dẫn đầu về lãi suất đặc biệt như ABBank hay PVcomBank, một số nhà băng khác cũng triển khai các chương trình huy động với mức lãi suất hấp dẫn dành riêng cho nhóm khách hàng gửi số tiền lớn.
Cụ thể, Vikki Bank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho các khoản tiền gửi từ 999 tỷ đồng, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. IVB đưa ra mức lãi suất 6,15%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, nhưng chỉ dành cho khoản tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Tại ACB, khách hàng gửi từ 200 tỷ đồng sẽ được hưởng lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Trong khi đó, LPBank áp dụng mức lãi suất dao động từ 6,07% đến 6,5%/năm tùy theo hình thức lĩnh lãi (đầu kỳ, hàng tháng, hoặc cuối kỳ), dành cho khách hàng gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.
Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất trên 6%/năm cho các kỳ hạn dài, không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu lớn, phù hợp với nhóm khách hàng cá nhân phổ thông. Đơn cử như VietABank duy trì lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, trong khi Bac A Bank áp dụng mức tương tự với các kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng.
BVBank có mức 6,1%/năm cho kỳ hạn 60 tháng và 6%/năm cho kỳ hạn 48 tháng. Cake by VPBank hiện áp dụng mức 6%/năm cho các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng. HDBank niêm yết lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Nhóm ngân hàng này đang hướng tới các khách hàng cá nhân có nhu cầu gửi dài hạn, không giới hạn quy mô số tiền.
Khảo sát trên thị trường hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm cao phổ biến tại các ngân hàng chủ yếu dao động từ 5–6%/năm, không áp dụng với khoản tiền gửi lớn.
Theo kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ trong quý II/2025. Dự báo đến cuối năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định và không có nhiều biến động so với cuối năm 2024.
Tuy nhiên, theo nhận định trong Báo cáo kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất huy động có thể sẽ tăng dần trở lại vào cuối năm, khi nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi tích cực và tăng trưởng tín dụng có thể đạt hoặc vượt mục tiêu 16% mà ngành đặt ra. Mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn được dự báo sẽ dao động quanh ngưỡng 5,5–6% trong suốt năm 2025.
Đức Anh
Nguyễn Đức Hải
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dau-thang-7-xuat-hien-ngan-hang-tra-lai-suat-tiet-kiem-toi-965-nam-205250705082221578.htm