Đầu tư Tài sản Koji bị cưỡng chế thuế gần 11 tỷ đồng

Đầu tư Tài sản Koji đã được quyết định từ Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế số tiền hơn 10,8 tỷ đồng.

dau-tu-tai-san-koji-bi-cuong-che-thue-gan-11-ty-dong-antt-1692023025.jpg
Phối cảnh Dự án The Habour City - một trong ba dự án nổi bật của KPF.

CTCP Đầu tư Tài sản Koji (MCK: KPF) vừa công bố thông tin bất thường về việc nhận được quyết định từ Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản mở tại các ngân hàng.

Theo đó, KPF bị cưỡng chế số tiền hơn 10,8 tỷ đồng do nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định.

Về tình hình nhân sự, ngày 8/8 vừa qua, HĐQT KPF mới bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Toàn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật thay thế cho ông Hoàng Văn Hậu. Như vậy, chỉ trong thời gian hơn 2 năm, Đầu tư tài sản Koji đã 5 lần thay đổi chức danh Chủ tịch HĐQT.

Ở diễn biến đáng chú ý khác, tại ĐHĐCĐ bất thường 2023, HĐQT KPF đã thông qua việc nhận chuyển nhượng trái phiếu của trái chủ tại các tổ chức phát hành là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (PHI), Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (CLA) và CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn (PAI).

Cụ thể, KPF sẽ nhận chuyển nhượng tối đa gần 83.500 trái phiếu của 3 mã PHICH2124001, CLACH2124003 và PAICH2124001. Với mệnh giá mỗi trái phiếu là 10 triệu đồng, ước tính tổng giá trị chuyển nhượng là 834,6 tỷ đồng. Tỷ lệ nhận chuyển nhượng dự kiến 100%. Trong trường hợp không nhận được sự chấp thuận 100% từ trái chủ, ĐHĐCĐ thông qua việc nhận chuyển nhượng một phần các trái phiếu này.

Đây là các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Trong đó, dự án khu dân cư sinh thái Vườn Tài, đang là tài sản đảm bảo cho gói trái phiếu PHICH2124001 của PHI; các biệt thự khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resort and Hotels đang là tài sản đảm bảo của gói trái phiếu CLACH2124003 của CLA đồng thời cũng là tài sản đảm bảo cho gói trái phiếu PAICH2124001 của PAI.

Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III– quý IV/2023. Sẽ được thực hiện ngay sau khi có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ bất thường 2023 và được thực hiện theo phương thức tự thỏa thuận giữa các bên gồm KPF, trái chủ và tổ chức phát hành.

Mục đích nhận chuyển nhượng là nhằm xử lý các tài sản đảm bảo trái phiếu thông qua việc giải chấp tài sản đảm bảo trái phiếu PHICH2124001, CLACH2124003 và PAICH2124001 và chuyển nhượng tài sản đảm bảo trên cơ sở được sự chấp thuận của trái chủ.

Ngoài ra, HĐQT KPF cũng đã thông qua phương án chào bán hơn 9,7 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền, tương ứng tỷ lệ phát hành là 16% (tại ngày chốt danh sách thực hiện quyền mua cổ phiếu chào bán thêm, cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ thực hiện quyền mua thêm 16 cổ phần chào bán). Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng giá trị theo mệnh giá gần 97,4 tỷ đồng. Dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2023-2024 sau khi được Ủy bạn Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, Đầu tư Tài sản Koji ghi nhận 1 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 27,26 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lao dốc 60,5% so cùng kỳ, về còn 18,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của KPF tăng 10,7%, lên mức 890,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 483,6 tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 404,7 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, biến động mạnh chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn tăng 67,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 195,4 tỷ đồng, lên 483,6 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 20,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 105,8 tỷ đồng, về 404,7 tỷ đồng.

Hà Anh (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dau-tu-tai-san-koji-bi-cuong-che-thue-gan-11-ty-dong-2053433.htm