Theo hãng tin CNN, giá vàng đã tăng 3% trong phiên 4/12/2023 lên mức 2.135 USD/ounce, phá vỡ kỷ lục 2.072 USD/ounce của tháng 8/2020.
Như vậy tính từ mức giá đóng cửa 272,65 USD/ounce cuối năm 2000, giá vàng đã tăng đến 683% trong 23 năm, tương đương 29,6% mỗi năm.
Trớ trêu thay, đây lại chính là cách đầu tư gom vàng của nhiều "ông bà cụ" khi chỉ đơn thuần mua kim loại quý này nhằm dự trữ tài sản chứ không có ý định hay kiến thức đầu cơ gì trên thị trường.
Thậm chí nhiều gia đình mua vàng chỉ đơn thuần để làm của hồi môn, nhất là với những người lớn tuổi muốn tặng quà cho con cháu khi kết hôn.
Thế nhưng chính cách tích trữ vàng kiểu "không biết gì" này lại đem lại mức lợi suất khả quan cho những người lớn tuổi.
Lớp trẻ cũng học theo
Hãng tin Reuters cho hay kiểu đầu tư vàng "ông bà cụ" này đang khiến lớp trẻ cũng phải đổ xô học theo.
Báo cáo của hãng vàng bạc Chow Tai Fok cho thấy 70% số khách hàng mua vàng hiện nay là từ 18 đến 40 tuổi thay vì lớp người già như trước đây.
"Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người 18-40 tuổi đi mua trang sức bằng vàng. Đây là điều cực kỳ bất ngờ vì trước đây người già mới là đối tượng khách hàng thường xuyên hơn", giám đốc Kent Wong của Chow Tai Fok cười nói.
Trả lời Reuters, cô sinh viên Nadia Qi tại Bắc Kinh cho biết mình đã dùng tiền tiêu vặt hàng ngày để tích cóp mua vàng. Vị nữ sinh viên 21 tuổi này nói rằng mình đã gom được hơn 2.000 USD vàng trang sức và vàng miếng.
"Thứ duy nhất khiến tôi yên tâm hiện nay là đầu tư vào vàng", cô Qi nói với Reuters khi cho biết đang đặt mục tiêu mua ít nhất 20gr vàng mỗi năm.
"Vàng giống như một loại tiền tệ mạnh hiện nay vậy", nhân viên văn phòng họ Yang đã 38 tuổi tại tỉnh Hunan đồng quan điểm khi phỏng vấn với Reuters.
Giá có còn tăng?
Theo hãng tin CNN, giá vàng khả năng sẽ còn đi lên trong năm 2024 trước áp lực hạ lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Về lý thuyết, lãi suất cao sẽ khiến các nhà đầu tư bị thu hút bởi thị trường trái phiếu của Mỹ hơn và ngược lại, khi lãi suất giảm hoặc được kỳ vọng sẽ hạ thì vàng mới là chân ái.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm 5% từ mức cao nhất 16 năm qua xuống còn 4,3% vào giữa tháng 11/2023, qua đó cho thấy nhà đầu tư đang dịch chuyển nguồn vốn của mình trước khả năng FED thay đổi chính sách tiền tệ.
"Kỳ vọng Mỹ chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ đã tác động mạnh đến thị trường, khiến lợi suất trái phiếu dài hạn xuống thấp. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để vàng tăng giá", giám đốc nghiên cứu Daria Efanova của Sucden Financial nhận định.
Ngoài ra, dự báo hạ lãi suất đã tác động đến tỷ giá đồng USD khiến đồng tiền này hạ giá, qua đó khiến vàng vốn giao dịch bằng đồng USD càng tăng giá để sát với giá trị thực. Tỷ giá đồng USD đã mất 3% giá trị trong tháng qua so với một rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Do vàng được giao dịch bằng đồng USD trên thị trường quốc tế nên tỷ giá USD hạ khiến giá vàng trở nên rẻ hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, qua đó càng thúc đẩy nhu cầu mua kim loại quý này.
Bên cạnh đó, các yếu tố bất ổn địa chính trị cũng là nguyên nhân khiến giá vàng tăng hơn 11% từ đầu năm đến nay.
"Tình hình bất ổn địa chính trị đang tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Từ cuộc xung đột Ukraine đến tình hình ở Israel, thế rồi câu chuyện xung đột thương mại Mỹ-Trung và nhiều vấn đề địa chính trị khác", chuyên gia chiến lược John Reade của Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council-WGC) nhận định.
Một yếu tố nữa là việc Phương Tây đóng băng nhiều tài sản dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga đã khiến hàng loạt chính phủ các nước chuyển sang dự trữ vàng thay vì đồng USD nhằm đảm bảo an toàn.
Số liệu của WGC cho thấy ngân hàng trung ương các nước mới nổi đã mua ròng 473 tấn vàng bình quân mỗi năm trong khoảng 2010-2021.
Thế nhưng trong năm 2022, những ngân hàng trung ương này bất ngờ mua ròng đến 1.100 tấn vàng và con số này lên đến 800 tấn vàng trong 3 quý đầu năm nay.
Khảo sát vào tháng 5/2023 cho thấy ¼ số ngân hàng trung ương đang có kế hoạch gia tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.
*Nguồn: CNN
Băng Băng