ĐBQH: Giảm VAT 2% trong thời gian 6 tháng là quá ngắn, nên kéo dài

Việc giảm thuế VAT 2% là rất cần thiết, song có ý kiến cho rằng nếu áp dụng trong thời gian 6 tháng cuối năm 2023 sẽ là quá ngắn, do đó đề nghị tiếp tục kéo dài.

Sức cầu của nền kinh tế đang suy giảm

Sáng 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Tại tổ Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá kết quả thu ngân sách năm 2021 và 2022 đều tăng khá cao so với dự toán cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ.

Báo cáo chỉ rõ thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán có nguyên nhân là tăng nguồn thu từ dầu thô và nhà, đất, có ý kiến cho rằng sự tăng thu này không bền vững.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, việc phấn đấu tăng được nguồn thu ngân sách là kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong 2 năm mà không ai dự báo được thị trường đất đai, bất động sản tăng sẽ tăng trưởng.

Bày tỏ đồng tình với chính sách giảm 2% thuế VAT, đại biểu Cường nêu rõ trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế đang suy giảm, việc giảm thuế sẽ khuyến khích tăng cầu, trước hết là tăng cầu tiêu dùng, mỗi một người dân đều được hưởng lợi, sau đó tăng được số lượng hàng hóa tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.

“Khi doanh nghiệp phục hồi, phát triển sẽ tạo ra nguồn thu để bù đắp cho phần ngân sách thiếu hụt”, đại biểu nói.

dbqh-giam-vat-2-trong-thoi-gian-6-thang-la-qua-ngan-nen-keo-dai-antt-1-1685006606.PNG
ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, cần kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2%.

Cho rằng việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% trong thời gian 6 tháng là quá ngắn khi mà mốc tháng 12 là thời điểm quyết toán ngân sách năm, đại biểu Cường đề nghị trong dự thảo Nghị quyết nên có đoạn mở là “có thể tiếp tục kéo dài”.

Đại biểu lấy dẫn chứng chính sách về giãn, hoãn, miễn các khoản thu ngân sách như thuế, tiền thuê đất thực hiện trong năm 2022, do không có đoạn mở nên hết năm 2022 phải dừng lại, nhưng đến tháng 6/2023 lại đề nghị tiếp tục thực hiện, như vậy sẽ bị ngắt quãng, không còn hiệu quả.

“Tôi cho rằng nên để mở, tùy theo tình hình đến giai đoạn đó Chính phủ có thể sẽ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục kéo dài”, đại biểu đề xuất.

Trước đó, tại báo cáo thẩm tra việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế VAT là từ ngày 1/7 - 31/12/2023.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.

Đầu tư vốn cho Agribank là đầu tư sinh lời

Về chính sách bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), đại biểu Cường bày tỏ quan điểm nhất trí, cho rằng Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, hiện phủ sóng khá rộng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

dbqh-giam-vat-2-trong-thoi-gian-6-thang-la-qua-ngan-nen-keo-dai-antt-2-1685006614.PNG
 

“Có đến 70% phần vốn Agribank cho vay là đối tượng nông dân, nông thôn; trong tổng dư nợ của nhóm đối tượng này, 50% là vay từ Agribank, còn lại từ các tổ chức tín dụng khác”, đại biểu dẫn số liệu báo cáo.

Nhưng hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước. Theo đại biểu Cường, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank không chỉ giúp bản thân ngân hàng mà còn là tăng nguồn lực để hỗ trợ cho các đối tượng hưởng thụ: nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Đầu tư vốn cho Agribank không phải đầu tư cho tiêu dùng, mà thực sự đầu tư để sinh lời. Khi ngân hàng có vốn, vốn đầu tư sinh lời hằng năm và đóng góp trở lại cho ngân sách. Thực ra đây là đầu tư tài chính của Nhà nước, không phải phần đầu tư mất đi”, đại biểu nhận định.

Nguồn thu từ du lịch thấp hơn bình thường

Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ trình Quốc hội trước đó, đồng thời nêu lên 2 trong 13 chỉ tiêu chưa đạt được, cụ thể là về tốc độ tăng năng suất lao động, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.

“Thực tế 2 chỉ tiêu này nhiều năm qua cũng chưa đạt, giống như căn bệnh kinh niên, trong khi đó, các giải pháp đưa ra chưa đủ rõ, chưa đủ mạnh mẽ để tạo chuyển biến”, ông Thi nói.

Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, độ mở lớn hiện nay, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp căn cơ liên quan khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ trong nước.

“Nếu làm được, sẽ bảo đảm an ninh kinh tế vì hiện nay, chúng ta đang phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ nước ngoài trên nhiều lĩnh vực”, ông nói.

dbqh-giam-vat-2-trong-thoi-gian-6-thang-la-qua-ngan-nen-keo-dai-antt-3-1685006614.PNG
Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng cần khơi thông nội lực ngành du lịch để phát triển kinh tế.

Theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, trong lĩnh vực năng lượng, tỉ lệ nội địa hóa đang rất thấp. Cụ thể, trong dự án thủy điện, hiện mới chủ động được khoảng 30%, với nhiệt điện là 25%, điện khí 7%, với lĩnh vực điện gió tỉ lệ phụ thuộc là 100%.

“Đứng về lý thuyết quản trị quốc gia, khi bên ngoài khó khăn, bên trong nội lực phải khơi thông, nhưng chúng ta chưa khơi thông được khiến kinh tế vẫn còn gặp khó”, ông Thi cho hay.

Lấy ví dụ, đại biểu chỉ ra lĩnh vực du lịch có rất nhiều tiềm năng, thời điểm dịch Covid-19 Việt Nam cũng là nước mở cửa sớm do kiểm soát dịch bệnh tốt. Nhưng so với những năm trước và so với các nước khác trong khu vực, nguồn thu từ du lịch đang thấp hơn bình thường.

Hay như một số lĩnh vực dịch vụ khác, cụ thể là dịch vụ karaoke đang không hoạt động. “Nguyên nhân không phải do dịch vụ này tồi tệ mà một phần do cơ chế”, ông nói.

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dbqh-giam-vat-2-trong-thoi-gian-6-thang-la-qua-ngan-nen-keo-dai-2051760.htm