Đế chế tài chính Ant ‘thoi thóp’ khi thiếu vắng Jack Ma: Mở rộng kinh doanh nhưng chưa ăn thua, đau đớn vì lợi nhuận rơi 90%, không thể phát triển như cũ

Sau nhiều năm "án binh bất động", Ant dần bắt tay mở rộng toàn cầu. Liệu có hiệu quả?

Khi giới chức Trung Quốc hủy kế hoạch niêm yết Ant Group vào năm 2020 nhằm kiềm chế đế chế tài chính Jack Ma, tương lai hoạt động kinh doanh cho vay và thanh toán của ông bị nghi ngờ.

Bốn năm sau, Ma từ bỏ quyền kiểm soát Ant sau khi Bắc Kinh ra lệnh tái cơ cấu chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba, đồng thời phạt công ty này 7,12 tỷ Rmb (984 triệu USD). Giá trị của Ant sụt giảm khoảng 40% so với giá niêm yết đề xuất.

Tuy nhiên, sau nhiều năm "án binh bất động", Ant dần bắt tay mở rộng toàn cầu và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thanh toán quốc tế nhằm tìm kiếm đà tăng trưởng thời kỳ hậu Ma.

“Ant có thể thử mở rộng hoạt động kinh doanh tài chính một lần nữa”, Tilly Zhang, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết. “Chỉ cần có cơ hội, việc Ant nắm lấy là điều dễ hiểu”.

Theo Deloitte, Ant đang hoạt động trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với năm 2020 - thời điểm 35 công ty Trung Quốc huy động được 13,8 tỷ USD thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ. Công ty khi đó được cho là có khả năng cách mạng hóa lĩnh vực ngân hàng của đại lục, phần cũng nhờ được hưởng lợi từ sự gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến tại công ty mẹ Alibaba.

Kể từ đó, mối quan hệ địa chính trị giữa Mỹ-Trung trở nên căng thẳng. Chính quyền Trung Quốc quyết định tiến hành đàn áp các công ty công nghệ với mục tiêu phá vỡ vị thế “độc quyền” do các nền tảng Internet kiểm soát.

Alibaba không còn là công ty thương mại điện tử giá trị nhất Trung Quốc, hiện đã tái cơ cấu hoạt động kinh doanh để bắt kịp các đối thủ như Pinduoduo. Ant và một số công ty con cũng phải chịu các quy định tài chính ngặt nghèo.

“Mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Trong tương lai, các nền tảng dịch vụ tài chính internet, bao gồm Ant, sẽ chỉ là một phần của toàn bộ ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng rộng lớn”, Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại CreditSights nói và cho biết việc Ant mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ tài chính truyền thống đã bị hạn chế.

Theo số liệu năm 2020 của Ant, phần lớn doanh thu 72,5 tỷ Rmb trong nửa đầu năm đến từ hoạt động kinh doanh fintech, dẫn đầu là cho vay tiêu dùng trực tuyến. Do hoạt động này kể từ đó phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn nên kéo theo lợi nhuận giảm mạnh.

Alipay, ứng dụng thanh toán phổ biến ở Trung Quốc từng đóng góp lớn thứ hai vào doanh thu của Ant vào năm 2020, vẫn là một phần của tập đoàn.

Đế chế tài chính Jack Ma ‘thoi thóp’ khi mất chủ: Mở rộng kinh doanh nhưng chưa ăn thua, Ant đau đớn vì lợi nhuận rơi 90%, không thể phát triển như cũ - Ảnh 1.

Ant không công bố dữ liệu tài chính, chỉ biết rằng lợi nhuận hàng năm của công ty đã giảm hơn một nửa xuống còn 30,9 tỷ Rmb vào năm 2022

Ant không công bố dữ liệu tài chính, chỉ biết rằng lợi nhuận hàng năm của công ty đã giảm hơn một nửa xuống còn 30,9 tỷ Rmb vào năm 2022 sau cuộc đàn áp của cơ quan quản lý, theo tính toán của Financial Times dựa trên báo cáo thu nhập từ Alibaba. Gần đây hơn, lợi nhuận quý III/2023 của Ant giảm hơn 90% so với cùng kỳ xuống còn 240 triệu Rmb. Để tìm kiếm sự tăng trưởng, Ant bắt đầu chuyển sang tập trung vào bộ phận thanh toán quốc tế, vốn chiếm chưa đến 1% khối lượng thanh toán tại Trung Quốc của Alipay 4 năm về trước.

Eric Jing, người được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành Ant lần thứ hai vào năm 2021, đã tham gia một chương trình nhằm quảng bá công ty. Vào ngày 19 tháng 3, ông phê duyệt kế hoạch thay đổi cơ cấu đối với hoạt động kinh doanh thanh toán ở nước ngoài và cho phép nó hoạt động độc lập.

Một tháng trước, người ta thấy Eric Jing xuất hiện tại Bắc Kinh trong một sự kiện của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để nói về các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số cho du khách nước ngoài đến đại lục. Sự kiện cho thấy Ant đang cố gắng hợp tác với chính phủ.

“Khi đến một thị trường mới, mục tiêu không phải là kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất luôn là thực hiện cam kết lâu dài và đóng góp bền vững cho nền kinh tế địa phương”, Eric Jing nói.

Mới đây, Ant cho biết mạng thanh toán của mình hiện đã kết nối hơn 88 triệu người bán với 1,5 tỷ tài khoản người tiêu dùng trên hơn 25 ứng dụng tại 57 quốc gia và khu vực. Liu Meng, nhà phân tích của công ty tư vấn Forrester, cho biết: “Mở rộng toàn cầu là ưu tiên hàng đầu của Ant trong năm nay và là động lực duy nhất để tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Ant và các đối thủ Trung Quốc khác cần cung cấp sản phẩm tốt hơn để giành thị phần”.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến quan ngại đường lối của Ant khi công ty này vắng bóng Jack Ma. Sự ra đi của ông giúp xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh song điều này có thể khiến Ant không có tầm nhìn rõ ràng. Dong Ximiao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Merchants Union Consumer Finance, cho biết: “Quản trị doanh nghiệp của Ant hiện cân bằng và tối ưu hơn, song tất nhiên, cũng có vài nhược điểm”.

Các nguồn tin quen thuộc cho biết, hoạt động kinh doanh cho vay tiêu dùng của Ant, trước đây là đơn vị sinh lời cao nhất của tập đoàn, đã giảm gần một nửa so với trước. Giới hạn tỷ lệ đòn bẩy bị áp đặt vào năm 2021 đang thu hẹp quy mô và khả năng sinh lời của công ty.

Thông thường, Ant kiếm lợi nhuận bằng cách thu hút các khách hàng trẻ tuổi vay tiền trực tuyến từ ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, những ngân hàng này vẫn đang bị cơ quan quản lý buộc phải giảm mức độ tiếp xúc với Ant và các nền tảng trực tuyến.

“Khó có thể lung lay vị trí dẫn đầu của Ant với tư cách là một dịch vụ thanh toán, song cũng rất khó để dự đoán vị thế của công ty trong bối cảnh tài chính Trung Quốc. Ant không thể phát triển nhanh như trước nữa, đó là điều chắc chắn”, Dong Ximiao nói.

Theo: FT

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/de-che-tai-chinh-ant-thoi-thop-khi-thieu-vang-jack-ma-mo-rong-kinh-doanh-nhung-chua-an-thua-dau-don-vi-loi-nhuan-roi-90-khong-the-phat-trien-nhu-cu-20512264.htm