Đề xuất 6 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán, chỉ nhà đầu tư tổ chức được mua trái phiếu

Tại dự thảo 1 luật sửa 7 Luật, trong đó có sửa Luật Chứng khoán, Chính phủ đã đưa ra sáu nhóm hành vi bị coi là thao túng thị trường chứng khoán đồng thời đề xuất chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức được mua trái phiếu riêng lẻ.

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 38 diễn ra sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến về Dự án 1 luật sửa 7 Luật Chứng khoán, Kiểm toán độc lập, Kế toán, Ngân sách nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế và Luật Dự trữ Quốc gia.

6 nhóm hành vi bị coi là thao túng thị trường chứng khoán

Liên quan đến Luật Chứng khoán, trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, lần sửa đổi này bổ sung nhóm quy định nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

Đáng lưu ý, việc sửa đổi cũng hướng tới việc hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

Trên cơ sở đó, dự thảo quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm. Trong đó, luật sửa đổi đưa ra các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ và quy định về công ty đại chúng.

Đề xuất 6 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán, chỉ nhà đầu tư tổ chức được mua trái phiếu- Ảnh 1.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại phiên thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Cụ thể, dự thảo luật đưa ra 6 nhóm hành vi bị coi là thao túng thị trường chứng khoán. Thứ nhất, hành vi sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình, hoặc của người khác, hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Thứ hai là đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch, hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự, hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

Thứ ba, hành vi mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường cũng bị coi là hành vi thao túng.

Tiếp đến là hành vi giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất hành vi thao túng là đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán.

Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán, cũng được xem là hành vi thao túng.

Chỉ nhà đầu tư tổ chức được mua trái phiếu?

Một trong những thay đổi lần này khi sửa Luật Chứng khoán, theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi là quy định về phát hành, chào bán chứng khoán ra công chúng và riêng lẻ.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ. Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư cá nhân không được tham gia thị trường này.

Lý do theo Chính phủ, trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt loại do doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, là sản phẩm có tính rủi ro cao. Nhiều nước không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia thị trường này, song thực tế giao dịch mua bán, đầu tư được thực hiện giữa các tổ chức chuyên nghiệp. Số này gồm công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và ngân hàng. Các nhà đầu tư cá nhân thường không tham gia trực tiếp thị trường này do hạn chế về quản trị rủi ro và nguồn lực.

Việc quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần thiết, theo tờ trình của Chính phủ. Bởi, nhà đầu tư là tổ chức có đủ nguồn lực, nhân lực và khả năng phân tích tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức phát hành. Họ cũng có các giải pháp về quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, phòng ngừa rủi ro.

Chính phủ cho hay việc bổ sung quy định này không hạn chế sự tham gia của cá nhân vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, do vậy không hạn chế khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường này. Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thông qua các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ. Đây là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, được cấp phép, giám sát bởi các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, đề xuất trên có thể giảm thiểu được rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, đề nghị bổ sung về cung cấp các số liệu như cơ cấu nhà đầu tư TPDN riêng lẻ, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc giới hạn nhà đầu tư chỉ là tổ chức trong dài hạn.

Ông Mạnh cũng cho hay, việc loại nhà đầu tư cá nhân sẽ dẫn đến thu hẹp thị trường này và ảnh hưởng lớn tới thanh khoản, huy động vốn của doanh nghiệp. Do đó, thay vì cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia, các ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị giao Chính phủ đưa ra tiêu chuẩn, điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Việc này nhằm bảo đảm nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi rót tiền.

Cũng theo ông Mạnh, đa số ý kiến nhất trí đề xuất của Chính phủ về bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đối với hành vi thao túng cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

"Một số ý kiến cho rằng, cần cơ quan có thẩm quyền xác định dấu hiệu nào là hành vi thao túng thị trường chứng khoán", ông Mạnh nêu.

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ, cơ quan thẩm tra đề nghị thuyết minh rõ hơn quy định về tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành 3 năm như nhà đầu tư chiến lược, vì tính chất, mục đích nắm giữ, giao dịch chứng khoán của các nhà đầu tư này là khác nhau.

PV

Hà Thị Lưu Luyến

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/de-xuat-6-nhom-hanh-vi-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-chi-nha-dau-tu-to-chuc-duoc-mua-trai-phieu-205241011112233364.htm