Theo NHNN, qua quá trình 12 năm triển khai thực hiện Luật BHTG và các văn bản hướng dẫn thi hành, còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết để nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG, để chính sách BHTG thực sự đem lại hiệu quả, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn và lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Chẳng hạn, NHNN cho rằng vấn đề phí BHTG cần được sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập trong thực tiễn triển khai. Hạn mức trả tiền bảo hiểm, thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cần được quy định phù hợp và đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Ngoài ra, nguồn vốn và doanh thu hoạt động, chế độ tài chính, danh mục hoạt động đầu tư của tổ chức BHTG cần được sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện nâng cao năng lực tài chính cho BHTGVN.
Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Các TCTD. Luật các TCTD năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền, nghĩa vụ của BHTGVN tham gia vào quá trình can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt (KSĐB) TCTD. Tuy nhiên một số nội dung Luật các TCTD không quy định chi tiết mà dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về BHTG. Điều này đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để thống nhất với quy định của Luật Các TCTD và có cơ sở để BHTGVN thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD.
NHNN đề xuất Sửa đổi, bổ sung quy định để xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm rõ ràng, cụ thể, thống nhất với quy trình xử lý TCTD yếu kém tại Luật Các TCTD. Đồng thời nghiên cứu có cơ chế để chi trả toàn bộ tiền gửi cho người gửi tiền trong các trường hợp đặc biệt.
Hiện Điều 22 Luật BHTG quy định: Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt KSĐB hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Các TCTD năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung quy định về KSĐB TCTD, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm chấm dứt KSĐB thực hiện phương án phá sản của TCTD.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh được phản ứng dây chuyền, bảo vệ được quyền và lợi ích của người gửi tiền, góp phần giữ an toàn và trật tự xã hội. BHTG tham gia sớm hơn việc chi trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng yếu kém.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế để trong trường hợp đặc biệt có thể chi trả toàn bộ tiền gửi cho người gửi tiền qua đó tránh được phản ứng dây chuyền, rút tiền hàng loạt của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro về thanh khoản của TCTD. Về nội dung này, hiện nay tại Điều 188 Luật Các TCTD năm 2024 có quy định quá trình xây dựng phương án phá sản, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được BHTG tại TCTD.
Theo Dự thảo, Điều 23 về Thời hạn trả tiền bảo hiểm, NHNN đề xuất Tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG trong thời hạn 30 ngày kể tờ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đối với trường hợp hồ sơ chi trả BHTG đầy đủ, hợp lệ; trong thời hạn 60 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đối với các trường hợp khác.
Điều 24 về Hạn mức trả tiền bảo hiểm, Dự thảo tiếp tục Kế thừa quy định tại Luật BHTG 2012. Ngoài ra, NHNN đề xuất Bổ sung quy định trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chi trả toàn bộ các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN.
Lan Anh
Nguyễn Đức Hải