Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Media Quốc hội.
Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sáng 16/5, nhiều đại biểu đã đưa ra đề xuất hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, Dự thảo hiện quy định miễn giảm thuế cho 4 nhóm doanh nghiệp. Theo bà, so với các chính sách hỗ trợ khác như ưu đãi tín dụng, đất đai, đào tạo hay cải cách thủ tục hành chính, chính sách miễn giảm thuế có tác động nhanh, ít thủ tục hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khởi đầu khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, đại biểu Vân cho rằng quy định hiện tại – miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo là chưa đủ dài và chưa phù hợp với thực tế hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bà đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm kế tiếp.
Theo bà, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thường phải đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ và đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Trong giai đoạn đầu, những doanh nghiệp này thường không có lãi, thậm chí có thể chịu lỗ trong 5-7 năm đầu hoạt động. Do đó, việc miễn giảm thuế theo chu kỳ ngắn sẽ không thực sự tạo động lực phát triển.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ khi doanh nghiệp phát sinh lợi nhuận thay vì kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu tại khoản 4 điều 10 dự thảo Nghị quyết.
“Doanh nghiệp không thể có lãi ngay sau khi thành lập. Thời gian đầu thường là giai đoạn đầu tư ban đầu, xây dựng hệ thống, tuyển dụng, nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm. Nếu miễn thuế từ ngày thành lập, thì đến khi doanh nghiệp có lãi, thời gian miễn thuế đã hết – khiến chính sách này trở nên không hiệu quả”, bà nhấn mạnh.
Từ đó, bà đề nghị cần có chính sách thuế thực chất, thiết kế phù hợp với thực tiễn hoạt động, đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu, giúp họ có thêm nguồn lực để phát triển bền vững.
Kỳ Thư
Đàm Thị Thuý Vân