Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng Bât động sản (BĐS) dựa trên thời gian nắm giữ, áp dụng khi không xác định được giá vốn và chi phí.
Cụ thể, nếu nắm giữ dưới 2 năm, thuế suất được đề xuất là 10% trên giá bán; từ 2 đến dưới 5 năm là 6%; từ 5 đến dưới 10 năm là 4%; và từ 10 năm trở lên hoặc bất động sản từ thừa kế chịu thuế suất 2%.
Trường hợp người nộp thuế cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh giá vốn và chi phí, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính trên thu nhập thực tế, tức giá bán trừ giá mua và chi phí hợp lý, với thuế suất 20% cho mỗi lần chuyển nhượng, đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản dựa trên thu nhập thực tế (giá bán trừ giá mua và các chi phí hợp lệ) phản ánh đúng bản chất kinh tế của giao dịch. Điều này tương đương với cách đánh thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay, với mức thuế suất 20%.
Dự thảo cũng nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thuế hiệu quả hơn, đặc biệt trong các giao dịch BĐS và thương mại điện tử. Bộ Tài chính cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy nhiều trường hợp khai giá chuyển nhượng BĐS thấp hơn giá thực tế, gây thất thu ngân sách. Đề xuất áp thuế trực tiếp trên giá bán được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng này, đồng thời đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
Hiện tại, Bộ Tài chính đã gửi công văn để lấy ý kiến từ các Đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, 6 bộ bắt buộc lấy ý kiến theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, và các cơ quan liên quan khác. Dự thảo cũng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để tiếp nhận ý kiến rộng rãi.
Thúy Hạnh
Đàm Thị Thuý Vân