Trong khuôn khổ đại hội, có hơn 445 cổ đông đại diện cho hơn 2,3 tỷ cổ phiếu ACB, tương ứng với 68,69% tổng số phiếu có quyền biểu quyết. Trưởng ban kiểm tra tư cách cổ đông xác nhận đủ túc số tiến hành đại hội. Ngoài ra còn có sự tham dự của của các đại diện của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM; lãnh đạo Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam chi nhánh TP.HCM; đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Báo cáo tại đại hội, tình hình kinh doanh của ACB trong năm 2022 vẫn tiếp tục tăng trưởng về mặt quy mô, đạt lợi nhuận cao và tuân thủ nghiêm các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn.
Theo Báo cáo tài chính, kết thúc năm 2022, tổng tài sản của ACB tăng 15,18% so với cùng kỳ, đạt 608.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 14,31% ở mức 414.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở khống chế ở ngưỡng 0,74%, giảm 0,03 điểm so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng Á Châu cán mốc 58.000 tỷ, tăng 30,15% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 tăng 43% so với năm 2021, đạt mức 17.114 tỷ đồng, ghi nhận hoàn thành 114% kế hoạch đã trình đại hội cổ đông; lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), đạt 26,49%, tăng 2,59 điểm phần trăm so với năm trước; tổng tài sản đạt 2,41%, tăng 0,43 điểm phần trăm. Trước đó, ACB dự kiến lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn năm 2022 phải đạt mức 15.018 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, nguồn vốn đền từ tổng tiền gửi khách hàng của ACB tăng 8,96% so với cùng kỳ, đạt 414 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, ACB phát hành thành công 19.200 tỷ giấy tờ có giá, kỳ hạn bình quân 1,25 năm với chi phí hợp lý, góp phần tăng quy mô nguồn vốn. Đến cuối năm 2022, lượng giấy tờ có giá tại ACB là 44 nghìn tỷ, tăng 45,03.
Trong ĐHCĐ, ban lãnh đạo đề xuất sử dụng gần 8.444 tỷ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Dự kiến chia với tỷ lệ 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. ACB hiện là một trong số ít các ngân hàng có cổ tức tiền mặt trong năm nay. Ngân hàng sẽ còn lại hơn 6.578 tỷ sau khi hoàn thành việc chia cổ tức.
Về kế hoạch năm 2023, HĐQT của ACB đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2%; Tổng tài sản đạt 668.788 tỷ, tăng 10%; Tiền gửi và giấy tờ có giá đạt 495.836 tỷ, tăng 9,7%; Dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ, tăng 9,7%. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 2%.
Ngoài ra, ACB dự kiến sẽ sử dụng hơn 9.710 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ chia là 25%, trong đó 15% trả bằng cổ phiếu và 10% trả bằng tiền mặt. Lợi nhuận giữ lại sau chia kỳ vọng sẽ đạt hơn 10.308 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong nhóm ngân hàng tư nhân.
Về mặt nhân sự, cũng tại đại hội, nhiệm kỳ của HĐQT và Ban Kiểm soát đương nhiệm (2018-2023) chính thức kết thúc; tiến hành bầu ra HĐQT cũng như Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới (2023-2028).
Theo đó, HĐQT đương nhiệm đề cử 9 ứng viên cho HĐQT nhiệm kỳ mới gồm: ông Trần Hùng Huy- Chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ trước; ông Nguyễn Thành Long- Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước; ông Hiep Van Vo- Thành viên HĐQT Độc lập nhiệm kỳ trước; 3 TV HĐQT nhiệm kỳ cũ gồm: bà Đinh Thị Hoa, bà Đặng Thu Thủy, ông Đàm Văn Tuấn; Đỗ Minh Toàn- Chủ tịch HĐQT Chứng khoán ACB hiện tại, Nguyên tổng giám đốc ACB 08/2012-01/2022;ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Tổng Giám đốc ACB hiện nay; ông Trịnh Bảo Quốc- Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn KCN Việt Nam, dự kiến bầu làm TV HĐQT Độc lập.
Về phía Ban Kiểm soát, HĐQT đề cử 3 thành viên BKS nhiệm kỳ trước tiếp tục làm công tác này. Danh sách gồm có: ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, bà Nguyễn Thị Minh Lan, bà Hoàng Ngân.
Bình Đức (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dhcd-acb-bau-ban-dieu-hanh-moi-dat-ke-hoach-loi-nhuan-len-muc-hon-20000-ty-dong-205827777.htm