Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, MCK: VPB) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 29/4.
Chia sẻ tại đại hội, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh đánh giá những yếu tố khách quan từ sự phục hồi yếu của nền kinh tế, ba cuộc khủng hoảng của thị trường (thanh khoản, trái phiếu và thị trường bất động sản) đã tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động ngành ngân hàng nói chung và VPBank nói riêng.
Đáng chú ý, ông Vinh nhấn mạnh, với việc ghi nhận lỗ gần 3.700 tỷ đồng của FE Credit đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của ngân hàng và nhận định đây là “điểm tối” của ngân hàng trong năm 2023.
Dù vậy lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, đa số các tổ chức tín dụng đều sụt giảm thu nhập và “FE Credit có quy mô lớn nhất nên phải gánh chịu nhiều nhất”.
"Trong hai năm qua tài chính tiêu dùng có chiều hướng suy giảm, một phần do nhu cầu thị trường, một phần do sự hiểu biết về tài chính tiêu dùng còn chưa đầy đủ bởi sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Mặt trái của một số biện pháp siết nợ của tín dụng đen khiến công tác thu hồi nợ giảm 50% hiệu quả", ông Vinh cho hay.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận. FE Credit cũng sẽ được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau hai năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.
Đối với mục tiêu ngân hàng đặt ra năm nay là FE Credit lãi 1.200 tỷ đồng. Cổ đông ngân hàng thắc mắc về động lực để đạt được mức tăng trưởng này và việc ngân hàng mẹ, đối tác SMBC sẽ có những biện pháp hỗ trợ gì cho FE Credit.
Giải đáp thắc mắc trên, Tổng giám đốc VPBank cho biết, FE Credit có 49% vốn của SMBC, 50% là VPBank. Là "con chung" của 2 tổ chức nên sự tham gia hỗ trợ sẽ cao.
Ông Vinh nói VPBank sẽ hỗ trợ FE Credit về hệ thống, nhân sự, chiến lược và vốn. Dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000-4.000 tỷ đồng. Hiện tại đơn vị này sẽ đa dạng hóa các mảng kinh doanh, hạn chế phụ thuộc vào tài chính tiêu dùng.
Cập nhật tình hình quý I/2024 cho thấy, tăng trưởng giải ngân quý đầu năm của FE Credit đạt hơn 20%, tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ trên 20% xuống dưới 20%. Sau khi thực hiện tái cơ cấu, FE Credit đã có được danh mục khách hàng mới, dự kiến đem lại triển vọng mới cho FE Credit, chặn đứng đà suy giảm về kinh doanh.
Một nội dung đáng chú ý khác tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 là đánh giá về tiềm năng cho vay phân khúc bất động sản trong năm 2024, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết đây là nhóm ngành tiềm năng, mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Hiện tỷ trọng cho vay nằm ở một số nhóm như dự án cho vay xây dựng 19%, cho vay mua nhà khoảng 16%. Tổng cộng lại khoảng 34-35%. Tổng dư nợ cho vay mua nhà khoảng 90.000 tỷ đồng, có giảm nhẹ.
Dự kiến trong năm 2024, VPBank sẽ trích lập 13.500 tỷ dự phòng rủi ro, thu hồi từ các khoản nợ xấu là 3.000 tỷ. Nợ xấu được kỳ vọng giảm dần vào các tháng cuối năm và phục hồi tốt từ năm 2025. Trong trường hợp làm tốt hơn, thì số tiết kiệm dự phòng sẽ trở thành lợi nhuận trong tương lai của ngân hàng.
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dhcd-vpbank-dong-luc-nao-de-dat-muc-tieu-fe-credit-co-loi-nhuan-1100-ty-dong-trong-nam-2024-20513673.htm