Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây chứng kiến không ít cổ phiếu "tăng như tên lửa". Trong đó, hai "gã khổng lồ" trên sàn UPCoM là Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – mã VGI) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC – mã MVN) đang gây ấn tượng rất mạnh.
Từ đầu tháng 6, cổ phiếu MVN đã tăng 150% qua đó leo lên mức 48.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của VIMC cũng theo đó tăng gần 35.000 tỷ (~1,5 tỷ USD) chỉ sau chưa đầy 3 tuần, lên mức gần 57.500 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD), cao nhất ngành cảng và vận tải biển. Con số này chỉ còn kém đôi chút so với mức kỷ lục mà doanh nghiệp này từng đạt được hồi tháng 8/2021.
Trong khi đó, VGI là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán từ đầu năm với 310%. Cổ phiếu này đang dừng ở mức 105.900 đồng/cp, cao nhất kể từ khi lên sàn tháng 9/2018. Vốn hóa Viettel Global cũng theo đó lập kỷ lục gần 322.000 tỷ đồng (~13,5 tỷ USD), tăng gần 250.000 tỷ (~10 tỷ USD) sau chưa đầy nửa năm.
Con số này đưa Viettel Global vượt qua Vingroup, Vinhomes, Hòa Phát, FPT, Vinamilk cùng hàng loạt ngân hàng như BIDV, VietinBank, Techcombank, VPBank trong danh sách những cái tên giá trị nhất sàn chứng khoán, chỉ kém duy nhất Vietcombank. Vốn hóa của "gã khổng lồ" viễn thông, công nghệ này đã xấp xỉ tổng giá trị toàn bộ hơn 300 doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX.
Một điểm khá trùng hợp giữa VGI và MVN là cả hai cổ phiếu đều lên sàn chứng khoán năm 2018, VGI chào sàn ngày 25/9 còn MVN là 8/10. Bộ đôi cổ phiếu này lên sàn nằm trong làn sóng các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa và lên giao dịch trên UPCoM sau khi Thông tư 180/2015/TT-BTC (Thông tư 180) ra đời.
Câu chuyện xoá lỗ luỹ kế, điểm chung đặc biệt giữa hai "gã khổng lồ"
Ngoài việc cùng lên sàn chứng khoán năm 2018, Viettel Global và VIMC thực tế là hai doanh nghiệp có nhiều sự khác biệt về quy mô, lĩnh vực hoạt động, thị trường,… Tuy nhiên, đà tăng của hai cổ phiếu VGI và MVN thời gian qua lại bất ngờ được hỗ trợ bởi một điểm chung đặc biệt là câu chuyện xoá lỗ luỹ kế.
Trong quá khứ, VIMC (tên cũ là Vinalines) có nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ luỹ kế hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình đã chuyển biến tích cực hơn, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2023, doanh nghiệp này đều thu về hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm qua đó thu hẹp đáng kể khoản lỗ luỹ kế tồn đọng.
Quý đầu năm 2024, VIMC ghi nhận doanh thu đạt 3.596 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 576 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 19% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế thu về 479 tỷ đồng, tăng 21% so với quý 1/2023, trong đó lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 342 tỷ đồng. Kết quả này giúp VIMC chính thức xoá sạch lỗ luỹ kế sau rất nhiều năm.
Năm 2024, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.730 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 28% so với thực hiện 2023. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành cảng và vận tải biển đã thực hiện 26% kế hoạch doanh thu và 21% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tương tự, Viettel Global cũng đang gần mục tiêu xoá lỗ luỹ kế sau nhiều năm kinh doanh khởi sắc. Quý 1/2024, tổng công ty ghi nhận doanh thu al đạt 7.907 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Viettel Global đạt 1.633 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất kể từ quý 3/2022.
Tính đến cuối quý 1/2024, Viettel Global vẫn còn lỗ luỹ kế gần 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo tổng công ty cho biết với đà tăng trưởng như hiện tại, Viettel Global sẽ cố gắng tối đa để xử lý và nếu không có rủi ro lớn phát sinh, dự kiến năm 2025 sẽ hết lỗ lũy kế. Khi đó, Viettel Global sẽ có thể tính toán phương án chia cổ tức.
Năm 2024, Viettel Global đặt mục tiêu có thêm 2 triệu thuê bao viễn thông và 6 triệu thuê bao số. Tương ứng, tổng công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 31.746 tỷ đồng (tương đương năm 2023), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.477 tỷ đồng, tăng 41,2% so với thực hiện 2023.
Những câu chuyện riêng hấp dẫn
VIMC là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước và đóng vai trò vận tải quan trọng của nền kinh tế. Đội tàu của VIMC hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, góp phần vào việc mở rộng giao thương của Việt nam tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng công ty hiện có 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Một số cảng trọng điểm của cả nước có thể kể đến như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.
Đà tăng của cổ phiếu này cũng được hỗ trợ bởi giá cước container tăng phi mã như thời Covid. Theo dự báo của giới chuyên gia, giá cước vận tải có thể tiếp tục tăng khi xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhu cầu hàng hóa phục hồi và tình trạng thiếu container tại các cảng xuất lớn gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm. Việc giá cước neo cao được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển.
Bên cạnh đó, việc xoá hết lỗ luỹ kế còn là tiền đề để VIMC triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua. Theo chủ trương, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại VIMC sẽ giảm xuống 65% vốn điều lệ. Ban lãnh đạo VIMC cho biết, mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn lần này có xét ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển loại hình vận tải hàng hoá đặc thù này.
Trong khi đó, Viettel Global được thành lập từ năm 2007, mang sứ mệnh đưa Viettel trở thành tập đoàn viễn thông lớn mạnh tầm quốc tế. Mới đây, Movitel - một thương hiệu của Viettel Global đã vươn lên top 1 tại Mozambique giúp doanh nghiệp có 7 trong tổng số 10 thương hiệu viễn thông đứng đầu thị phần các nước sở tại, bao gồm gồm: Movitel (Mozambique), Lumitel (Burundi), Telemor (Đông Timor), Metfone (Campuchia), Mytel (Myanmar), Unitel (Lào) và Natcom (Haiti).
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán ABS đánh giá, với lợi thế có 7/10 công ty thị trường đứng top 1 thị phần ở các mảng di động, Viettel Global sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới và các quốc gia đang phát triển khác. Tuy nhiên, dịch vụ viễn thông truyền thống đã dần bão hòa và mức độ thâm nhập viễn thông tại nhiều quốc gia đang bắt đầu đạt đến ngưỡng.
Do đó, việc thực hiện chiến lược đầu tư mới của Viettel Global là chuyển dịch dần sang dịch vụ số KHDN, dịch vụ số KHCN và Tài chính điện tử sẽ là nước đi giúp tổng công ty nâng cao vị thế, tiếp tục phát triển hiệu quả hoạt động kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành Viễn thông thế giới.
Hà Linh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/diem-chung-dac-biet-giua-hai-co-phieu-tang-nhu-ten-lua-viettel-global-va-vimc-20516432.htm