CTCP Điện Gia Lai (MCK: GEG) vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu và mua lại trước hạn đối với mã GEGB2124002.
Theo đó, từ tháng 8 đến tháng 9/2023, Điện Gia Lai sẽ tiến hành lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu, thông qua một số cơ chế liên quan đến tài sản đảm bảo của mã GEGB2124002.
Đồng thời, Điện Gia Lai sẽ mua lại toàn bộ 700 tỷ đồng trái phiếu theo mệnh giá của mã GEGB2124002 với giá 105.329 đồng/cổ phiếu. Với 7 triệu trái phiếu đang lưu hành, GEG sẽ phải chi ra 737 tỷ đồng để mua lại toàn bộ mã trái phiếu nói trên. Thời gian đăng ký bán lại trái phiếu cho tổ chức phát hành là từ ngày 5/9 – 8/9, ngày thực hiện thanh toán dự kiến là 26/9.
GEGB2124002 có thời hạn 36 tháng, được phát hành từ ngày 20/9/2021 và mất 21 ngày để hoàn tất, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Toàn bộ trái phiếu được phân phối cho nhà đầu tư thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
Lãi suất đối với 4 kỳ (mỗi kỳ kéo dài 3 tháng) tính lãi đầu tiên cố định ở 9,5%/năm, đối với mỗi kỳ tính lãi sau là lãi suất thả nổi bằng tổng 3,28%/năm và lãi suất tham chiếu. Toàn bộ lô trái phiếu được mua trọn bởi 5 nhà đầu tư trong nước.
Trước đó, theo thông báo của CTCP Điện Gia Lai, đơn vị này đã thực hiện việc mua lại 30 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu mã GEC_BOND_2018_1. Việc mua lại được diễn ra trong ngày 28/6/2023.
Lô trái phiếu mã GEC_BOND_2018_1 được phát hành vào ngày 29/6/2018 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng khối lượng phát hành lên đến 300 tỷ đồng và có thời gian đáo hạn là 10 năm.
Trước đây, Điện Gia Lai cũng đã từng tổ chức mua lại trái phiếu thuộc lô GEC_BOND_2018_1. Khối lượng trái phiếu còn lại trên thị trường sau khi GEG tiến hành việc mua lại là 195 tỷ đồng.
Việc Điện Gia Lai mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra trong bối cảnh chi phí lãi vay của đơn vị này đang leo thang mạnh qua từng chu kỳ kinh doanh của 3 năm trở lại đây.
Cụ thể thì từ đầu năm 2021 đến nay, chi phí lãi vay của GEG chỉ ghi nhận ở mức 78,6 tỷ đồng trong quý I/2021 và tăng nhẹ trong 2 quý kinh doanh sau đó. Bước sang Quý IV/2021, chi phí lãi vay đã leo thang đột biến lên 133,1 tỷ đồng, tương ứng với việc tăng thêm tới gần 50 tỷ đồng so với Quý III ngay trước đó.
Áp lực về chi phí lãi vay không có dấu hiệu ngừng lại mà tiếp tục tăng mạnh và ghi nhận đỉnh điểm ở mức 178,1 tỷ đồng trong Quý I năm 2023. Điều này tương ứng với việc mỗi ngày, Điện Gia Lai đang phải trả tới gần 2 tỷ đồng tiền lãi cho các khoản nợ của mình, chưa kể các chi phí tài chính khác.
Về tình hình kinh doanh, thời điểm cuối quý II/2023, tổng tài sản của GEG đạt 16.336,5 tỷ đồng, giảm 780 tỷ đồng (tương đương 4,6%) so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ 261 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi dưới 3 tháng, cùng gần 236 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng. Tổng cộng khoảng 497 tỷ đồng, giảm 40% so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho gần như đi ngang, đạt 154 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của GEG giảm mạnh từ 4.876,7 tỷ đồng còn gần 351 tỷ đồng, hầu hết nhờ vào việc nhà máy điện gió TPĐ1 đi vào vận hành (hơn 4.000 tỷ đồng hồi đầu năm), và hoàn tất giai đoạn 1 dự án điện gió VPL Bến Tre.
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn giảm hơn nửa, còn 984 tỷ đồng, do đã hoàn tất thanh toán với đối tác Trung Quốc và PC1. Nợ vay ngắn hạn ghi nhận 696 tỷ đồng, gồm khoản vay từ các ngân hàng TMCP như Vietcombank, Agribank, khoản vay từ CTCP Năng lượng Tái tạo Mới số 1, và các khoản vay dài hạn tới hạn trả.
Giống như nhiều doanh nghiệp điện, phần lớn nợ vay của GEG là nợ dài hạn, ghi nhận gần 9.613,4 tỷ đồng vào cuối tháng 6, là các khoản vay từ ngân hàng. Dư nợ trái phiếu còn 1.165 tỷ đồng, gồm 1 lô trái phiếu phát hành năm 2018 và 2 lô phát hành năm 2021.
Hà Anh (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dien-gia-lai-sap-chi-737-ty-dong-mua-trai-phieu-truoc-han-2053269.htm