Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đơn vị này sẽ điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp của 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.
Hai địa phương có số lượng doanh nghiệp được khảo sát nhiều là Hà Nội với 700 doanh nghiệp và 1.400 lao động; TP.HCM với 800 doanh nghiệp, 1.600 lao động.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ thu thập các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh lao động, tiền lương trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, nội dung cuộc điều tra còn bao gồm: Mức độ tuân thủ quy định của doanh nghiệp; mức tiền lương bình quân, tiền lương làm thêm giờ, kết cấu tiền lương, và mức lương thấp nhất của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2023 và 2024.
Từ đó, cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Đồng thời, phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để doanh nghiệp, người lao động tham khảo, làm cơ sở thương lượng tiền lương.
Trước đó, ngày 30/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Cụ thể, từ 1/7, lương tối thiểu tháng đối với người lao động theo vùng gồm: vùng I ở mức 4.960.000 đồng/tháng; vùng II mức 4.410.000 đồng/tháng; vùng III mức 3.860.000 đồng/tháng; vùng IV mức 3.450.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng cụ thể là: vùng I là 23.800 đồng/giờ; vùng II là 21.200 đồng/giờ; vùng III là 18.600 đồng/giờ; vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Mai Linh (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/dieu-tra-tien-luong-o-3400-doanh-nghiep-lam-co-so-xem-xet-dieu-chinh-luong-nam-2025-20524081009133068.htm