Trước đó, theo hồ sơ tòa án tại Milan (Ý), 2 công ty sản xuất túi cho Dior là Manufactures Dior SRL và Christian Dior Italia SRL đã vướng bê bối liên quan đến tuyển dụng lao động bất hợp pháp từ Trung Quốc và Philippines. Nguồn nhân công rẻ, không được đảm bảo an toàn lao động, đang sản xuất mỗi chiếc túi Dior với giá chỉ 53 euro (1,4 triệu đồng) nhưng khi vào store sẽ ngay lập tức được gắn tag giá 2.600 euro (70 triệu đồng).
Ngay sau thông tin này, trên Chicment, diễn đàn trực tuyến về hàng xa xỉ với hơn 690.000 thành viên, người mua đã bày tỏ sự phẫn nộ của mình, đồng thời ám chỉ một cuộc tẩy chay đang lan rộng. Một người cho biết từng cân nhắc mua túi Lady Dior, song mới đây đã hoàn toàn từ bỏ ý định.
“Vấn đề không phải là giá cả. Tôi không thể tin rằng mình đã mua những mặt hàng được sản xuất dưới một quy trình phi đạo đức, bóc lột công nhân”, một người dùng viết.
Một người khác thì liệt kê các thương hiệu thời trang thuộc LVMH và kêu gọi các thành viên còn lại không nên mua sản phẩm bởi mô hình kinh doanh “ưu tiên lợi nhuận hơn tay nghề thủ công”.
Theo Korea JoongAng Daily, Hàn Quốc là một trong những thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Bốn thương hiệu lớn là Hermes, Louis Vuitton, Chanel và Dior đều đã ghi nhận doanh thu hơn 5.000 tỷ won vào năm ngoái dù đã liên tục tăng giá sản phẩm.
Tuy nhiên, theo công ty tư vấn Bain & Company, mức tiêu thụ hàng thiết kế cá nhân tại Hàn Quốc đã giảm dần vào năm ngoái do suy thoái kinh tế. Những bê bối gần đây dự kiến sẽ khiến thị trường hàng xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa.
Lee Jae-ik, nhân viên văn phòng thường xuyên lui tới các cửa hàng cao cấp trong và ngoài Hàn Quốc, cho biết: “Không ai muốn mua loại túi xa xỉ do những công nhân bị lạm dụng trong nhà máy làm ra”.
“Khi tôi mua một món hàng xa xỉ, tôi đang mua câu chuyện gắn liền với nó. Tôi đang mua chiếc túi mà Grace Kelly, Jane Birkin và Công nương Diana từng mang và được LVMH quảng cáo là tạo ra bởi những người thợ thủ công chuyên nghiệp. Bê bối mới đây thật đáng tiếc, nhưng không có gì mới mẻ cả”, Lee nói thêm.
Theo một báo cáo của châu Âu vào năm 2023, khoảng 77% tổng số người mua hàng cho biết sẽ quan tâm đến vấn đề sản xuất bền vững. Trong số đó, hơn một nửa sẵn sàng trả thêm tới 10% nếu món đồ đó được sản xuất hoặc phân phối một cách bền vững.
Do cơ sở người tiêu dùng hàng xa xỉ của Hàn Quốc ngày càng trẻ hoá, sản xuất bền vững ngày càng được chú trọng. Theo một cuộc khảo sát do các thành viên Lotte thực hiện năm ngoái, nhóm khách hàng dưới 40 tuổi chịu trách nhiệm khoảng 44% tổng số giao dịch hàng hóa xa xỉ ở Hàn Quốc. Để so sánh, nhóm người ở độ tuổi 40-50 chỉ chiếm 42% tổng số giao dịch mua hàng.
“Các cửa hàng Hàn Quốc phải nỗ lực làm cho hàng hiệu trở nên độc quyền”, Lee, người đã mua những sản phẩm xa xỉ trong chuyến đi Paris năm nay, cho biết. “Tùy vào cửa hàng, nhưng nhiều nơi yêu cầu bạn phải đeo găng tay trước khi chạm vào đồ da. Họ cũng không cho phép bạn chụp ảnh”.
Theo: Korea JoongAng Daily
Vũ Anh