Ngay từ đầu năm, trước thời điểm quy định về siết chặt phân lô bán nền, cuộc đua gom đất không chỉ trở nên "nóng" đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà nhiều chủ đầu tư lớn, các doanh nghiệp bất động sản cũng bắt đầu quay trở lại cuộc đua. Quan sát, không chỉ các "ông lớn" trong ngành mà những doanh nghiệp tay ngang cũng có động thái tìm kiếm các quỹ đất mới.
Như hồi đầu tháng 4, bà Nguyễn Thị Sơn, “nữ tướng” của Kim Sơn Group, tiết lộ đã đích thân về quê nhà Bắc Ninh để tìm kiếm quỹ đất đầu tư khu đô thị và thương mại. Hay Đất Xanh Group (DXG) cũng thông tin đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100 - 200 ha khắp cả nước, pháp lý tốt để làm các dự án giai đoạn 2024 – 2025.
Đáng chú ý, DXG còn lên kế hoạch mua bán và sáp nhập (M&A) các quỹ đất dự án hiện hữu có tiềm năng để phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực. Mục tiêu trước mắt của Đất Xanh là quỹ đất sạch pháp lý tại 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Một đại gia bất động sản khác là Phát Đạt (PDR), theo báo cáo thường niên cũng cho hay sẽ tập trung tìm kiếm quỹ đất để phát triển các sản phẩm cao cấp. Đặc biệt, PDR muốn dồn lực để mở rộng quỹ đất và phân khúc nhà ở xã hội, tập trung tại các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp. Cụ thể, trong năm 2024 công ty sẽ đưa ra thị trường 4-6 dự án lớn, đồng thời tích cực xúc tiến mở rộng quỹ đất tại Đồng Nai, Lâm Đồng... và nỗ lực tìm kiếm thêm quỹ đất mới tại TP.HCM.
Bất động sản An Gia hồi tháng 2 cũng thông báo đang tìm kiếm cơ hội để thực hiện M&A, mở rộng quỹ đất sạch. Hiện, công ty đang trong quá trình thẩm định chuyên sâu đối với hai quỹ đất tiềm năng tại quận 8 và Thủ Đức (TP.HCM).
Novaland (NVL) cũng không nằm ngoài cuộc đua dù vừa trải qua quá trình tái cấu trúc cũng cho thấy tham vọng trong phát triển quỹ đất mới. Cụ thể, NVL đã đề xuất đầu tư một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng rộng gần 437 ha tại khu vực Mũi Yến, tỉnh Bình Thuận.
Tháng 6/2024, trong phương án huy động 1.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, CTCP Tập đoàn Danh Khôi dự kiến dùng 195 tỷ đồng để mua một phần khu dân cư Đại Nam (quốc lộ 13, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước); 180 tỷ đồng để mua một phần dự án tại khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm (quốc lộ 1, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền cũng cho biết, trong năm 2023 doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng một quỹ đất ở TP Thủ Đức để xây dựng dự án. Theo đó, trong năm 2024, An Dương Thảo Điền sẽ tiếp tục tìm mua thêm quỹ đất xung quanh khu vực này để thuận lợi phát triển các dự án về dân cư và nhà ở.
Cuộc đua thâu tóm quỹ đất trở nên sôi động hơn khi có sự góp mặt của nhiều đại gia ngành thép như Hoà Phát, Hoa Sen, Tôn Đông Á, Ống thép Việt Đức... Và cũng không thể không nhắc đến các "ông lớn" khác như DIC Holdings, Khang Điền, Hà Đô, Ecopark, Vinhomes, Phú Mỹ Hưng... cũng đang tích cực tham gia phát triển dự án từ các quỹ đất lớn từ 50 -150 ha tại Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận...
Lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp bất ngờ đẩy nhanh kế hoạch “săn” quỹ đất trong thời gian gần đây, ông Phạm Anh Khôi, cựu Viện trưởng DXS – FERI cho biết, đây có thể là động thái trước khi các luật mới về bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, sau khi các luật chính thức được áp dụng, các chủ đầu tư phải thương lượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì giá sẽ sát hơn với giá thị trường, dẫn đến tăng chi phí đầu vào của dự án. Các chủ đầu tư nhỏ lẻ khi bị "siết" phân lô bán nền phải đồng hành phát triển với các đơn vị phân phối chuyên nghiệp và các đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh.
Đồng quan điểm về xu hướng tăng gom đất giai đoạn này, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT BHS Group cho rằng khi 3 bộ luật mới có hiệu lực, thị trường sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, mặt bằng giá các sản phẩm bất động sản sẽ tăng cao. Mua được đất thời điểm này, chủ đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn những sản phẩm đã hoàn thiện về pháp lý và có giá phù hợp hơn.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn thị trường M&A bất động sản, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, quỹ đất luôn là bài toán lớn đặt ra cho đặt ra cho các doanh nghiệp địa ốc. Khi mà các chủ đầu tư trong và ngoài nước đều rất muốn tìm ra quỹ đất sạch để đầu tư, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, số lượng quỹ đất sạch hiện nay gần như là rất hạn chế.
"Bản thân các chủ đầu tư mua được đất rồi nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian để làm các thủ tục pháp lý để có thể thực hiện các dự án. Các chủ đầu tư đã thay đổi chiến lược. Họ tham gia vào các phiên đấu giá đất - nơi mà có quỹ đất đã rõ ràng về mặt pháp lý. Chấp nhận trả giá cao hơn, nhưng bù lại họ có thể triển khai dự án ngay lập tức", Tiến sĩ Khương cho hay.
Giám đốc cấp cao của Savills cũng khẳng định rằng, hiện tại TP.HCM đã không còn các quỹ đất sạch, nếu còn thì vẫn đang vướng mắc về các thủ thục pháp lý. Do đó, các chủ đầu tư đã nhìn tới các vùng đô thị xung quanh TP.HCM, khi mà các khu vực này đang từng bước được đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông, tiện ích. Xét về xu hướng trong tương lai, các thành phố vệ tinh sẽ trở thành lực đỡ mới, cơ hội phát triển tiềm năng cho các chủ đầu tư.
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-gia-tang-san-lung-quy-dat-205242608140525994.htm