Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng kết 35 năm thu hút và quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Bộ cho rằng chính sách thuế nói chung, chính sách ưu đãi thuế nói riêng được áp dụng chung, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc quy định chính sách thuế áp dụng thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp vừa tạo ra sự bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư, vừa tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và là một bước tiến quan trọng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều biện pháp đã được thực hiện để đưa các quy định về ưu đãi thuế vào tập trung trong các văn bản pháp luật về thuế để đảm bảo tính minh bạch của chính sách, giảm thiểu sự trùng lắp về ưu đãi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc theo dõi và áp dụng.
Các chính sách thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thể hiện ở các sắc thuế: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế TNDN ưu đãi với các dự án đầu tư, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất công nghiệp; thuế tài nguyên; thuế bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, chính sách ưu đãi thuế tương đối phức tạp do phạm vi ưu đãi rộng và chưa ổn định do việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của định hướng phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư từng thời kỳ. Việc thay đổi này dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư trong việc nắm bắt thông tin để áp dụng vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và lựa chọn phương án đầu tư.
Ngoài ra, chi phí của việc áp dụng ưu đãi thuế không chỉ là giảm thu ngân sách nhà nước mà còn các chi phí gián tiếp khác liên quan đến công tác quản lý thuế. Vì vậy chi phí quản lý thuế sẽ tăng cao khi chính sách thuế trở nên phức tạp. Thêm vào đó, chính sách ưu đãi thuế còn có những bất cập do sửa đổi, bổ sung nhiều, lồng ghép nhiều chính sách xã hội. Những quy định về ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, thuế TNDN còn được quy định tại các Luật chuyên ngành dẫn tới khó khăn trong việc áp dụng và thiếu nhất quán trong thực thi pháp luật.
Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết quán triệt yêu cầu đối với các bộ ngành khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không được đưa các nội dung thuế vào các văn bản này.
Thứ nhất, thống nhất toàn bộ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế, không thực hiện theo các luật chuyên ngành.
Thứ hai, hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách thuế để đảm bảo tính chất trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng theo các mục tiêu và định hướng đề ra trong Nghị quyết số 07NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Nhà nước thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng này thông qua chương trình chi ngân sách nhà nước phù hợp thay vì thực hiện thông qua chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.
Thứ ba, bổ sung các giải pháp liên quan để hoàn thiện cơ chế báo cáo, đặc biệt là điều chỉnh các quy định có liên quan về quản lý thuế, ngân sách tạo điều kiện cho cơ quan thuế thu thập thông tin và dữ liệu liên quan đến chính sách ưu đãi thuế. Đồng thời nghiên cứu để xây dựng Báo cáo chi tiêu thuế hàng năm như kinh nghiệm của các nước trên thế giới đang thực hiện, đảm bảo các khoản thu ngân sách theo quy định của luật thuế do thực hiện chính sách ưu đãi được ghi chép và phản ánh một cách có hệ thống.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hỗ trợ kê khai, nộp thuế; mở rộng áp dụng kê khai thuế và nộp thuế điện tử; mở rộng ứng dụng điện tử trong nhận, trả và xử lý mọi thủ tục về thuế. Điều này góp phần giảm chi phí của việc áp dụng ưu đãi thuế dẫn đến giảm chi phí quản lý thuế.
Phạm Ngọc (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai-duoc-huong-nhieu-loai-thue-uu-dai-205679777.htm