Trong quý III/2023, thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn điều chỉnh. VN-Index có không ít phiên giảm sốc khiến nhà đầu tư trở tay không kịp. Tính đến ngày 31/10, VN-Index lùi về sát ngưỡng 1.020 điểm, xóa bỏ thành quả hồi phục của những tháng trước.
Sự điều chỉnh của thị trường thời gian qua khiến không ít doanh nghiệp lao đao vì trót lao vào cuộc "phiêu lưu" chứng khoán.
Là một doanh nghiệp đầu ngành thủy sản nhưng kết quả kinh doanh quý III/2023 cho thấy CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) bị thiệt hại vì đầu tư chứng khoán.
Trong kỳ vừa qua, VHC ghi nhận doanh thu hợp nhất 2.698 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế đạt 201 tỷ đồng, giảm hơn 56% so với quý 3/2022 và kém xa khoản lãi 430 tỷ đồng của quý 2/2023.
Đáng chú ý, trong quý III, VHC đã chi 178 tỷ đồng cho chứng khoán kinh doanh nhưng phải dự phòng giảm giá hơn 45 tỷ đồng (tạm lỗ 25%). Danh mục đầu tư của VHC chủ yếu là các cổ phiếu bất động sản. Cụ thể, 95,6 tỷ đồng vào Nam Long (NLG) tạm lỗ gần 17 tỷ, khoản đầu tư vào Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) tạm lỗ 27 tỷ đồng và khoản đầu tư cổ phiếu Đô thị Kinh Bắc (KBC) đang tạm lỗ 87 triệu đồng.
Một doanh nghiệp thủy sản khác cũng đang phải 'gồng lỗ' chứng khoán đó là 'vua tôm' Minh Phú (MPC). Tại BCTC hợp nhất quý III/2023, Minh Phú đang chi 8,8 tỷ đồng đầu tư chứng khoán nhưng phải dự phòng giảm giá tới 5,6 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang đầu tư lớn nhất cho CTCP Đầu tư và Xây dựng số 8 với hơn 5 tỷ đồng.
CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cũng lỗ nặng khi "vung tiền" đầu tư chứng khoán. Tại thời điểm 30/9, danh mục chứng khoán kinh doanh của TDH có giá trị hơn 31 tỷ đồng song phải trích lập dự phòng giảm giá gần 27 tỷ (tạm lỗ hơn 87%).
Danh mục đầu tư của TDH chủ yếu gồm 2 cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương và SC5 của CTCP Xây dựng số 5. Trong đó, TDH đã sở hữu cổ phiếu PPI trong thời gian dài, từng nhiều lần muốn bán sạch khoản đầu tư này song bất thành.
CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) không chỉ kinh doanh cốt lõi kém hiệu quả mà còn "mắc kẹt" với danh mục đầu tư chứng khoán. Đến cuối quý III/2023, công ty đang chi hơn 88 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu đồng thời trích lập giảm giá hạ xuống còn 13,5 tỷ đồng.
Trong đó, TLH đầu tư 12 tỷ đồng vào cổ phiếu NVL, tạm lỗ 1,73 tỷ đồng; cổ phiếu IJC được đầu tư hơn 5 tỷ đồng đang trích lập dự phòng 430 triệu đồng; cổ phiếu VIX được rót 4,5 tỷ đồng đang trích lập dự phòng 700 triệu đồng; đầu tư 66,06 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác đang tạm lỗ 10,6 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Đầu tư CMC (CMC) đến cuối quý III ghi nhận giá gốc đầu tư chứng khoán tăng nhẹ, đạt 31 tỷ đồng với hơn 20 mã chứng khoán. Tổng trích lập dự phòng giảm giá còn 8 tỷ (đầu năm là 11,7 tỷ đồng). Trong đó công ty đang phải dự phòng giảm giá lớn nhất cho các mã GEX, VLC, LTC, VE8, EVG... Được biết, CMC liên tục gồng lỗ chứng khoán kể từ đầu năm 2022 trở lại đây.
Ngược lại, vẫn có số ít doanh nghiệp được hưởng niềm vui vì "chốt lời" thành công. CTCP Licogi 14 (L14) liên tục thoát lỗ nhờ lãi đầu từ chứng khoán trong vài quý gần đây.
Riêng trong quý III/2023, công ty lãi 9,4 tỷ đồng lãi đầu tư chứng khoán. Tại ngày 30/9, giá trị chứng khoán kinh doanh của L14 hơn 56 tỷ đồng nhưng không thống kê chi tiết danh mục đầu tư, trích lập dự phòng giảm giá ghi nhận mức hơn 2 tỷ.
Hay như CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) trở thành "tay chơi" chứng khoán có tiếng trong khi hoạt động cốt lõi có phần suy yếu. NDN ghi nhận giá gốc chứng khoán đầu tư tại thời điểm 30/9/2023 tăng 51% so với đầu năm lên mức 469 tỷ đồng; khoản trích lập dự phòng giảm từ 86,7 tỷ về còn hơn 37 tỷ đồng.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-mang-tien-di-dau-tu-chung-khoan-ben-vo-mong-ben-chot-loi-thanh-cong-2055907.htm