Doanh nghiệp nhà 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn mua lại trái phiếu trước hạn

Công ty Duy Anh đã tiến hành mua lại trước hạn 11 tỷ đồng lô trái phiếu DAFC_BOND_2026_001, giảm khối lượng còn lại sau đợt mua lại ngày 7/8/2023 là 0 đồng.

Mới đây Công ty CP thời trang và mỹ phẩm Duy Anh (Công ty Duy Anh, DAFC) đã công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.

my-pham-duy-anh-ippg-antt-1692862556.png
Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh công bố thông tin mua lại trái phiếu

Cụ thể, theo văn bản số 1708-201/CV-DAFC, Công ty Duy Anh đã mua lại trước hạn 11 tỷ đồng lô trái phiếu DAFC_BOND_2026_001 vào ngày 7/8/2023, giảm khối lượng còn lại sau khi mua lại xuốn 0 đồng.

Đây là lô trái phiếu kỳ hạn 84 tháng, phát hành ngày 7/9/2016, ngày đáo hạn là 7/9/2023. Mệnh giá trái phiếu 1 tỷ đồng/trái phiếu; khối lượng phát hành (theo mệnh giá) là 220 tỷ đồng.

Được biết Công ty Duy Anh là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" nhà "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 11/2005; hiện bà Lê Hồng Thủy Tiên- vợ ông Hạnh Nguyễn, đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Công ty Duy Anh hoạt động trong mảng kinh doanh thời trang - hàng hiệu của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific Group - IPP Group). Cụ thể, DAFC là nhà phân phối của các thương hiệu thời trang cao cấp trong các lĩnh vực thời thời trang, mỹ phẩm, nước hoa. Hiện, DAFC đang sở hữu 60 thương hiệu như BVLGARY, Rolex, Cartier, Versace...

doanh-nghiep-nha-vua-hang-hieu-johnathan-hanh-nguyen-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-antt-1-1692759751.PNG
Ông Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên.

Bên cạnh mảng thời trang, Công ty Duy Anh hiện đang là cổ đông lớn sở hữu trên 10% số cổ phần có quyền biểu quyết tại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (MCK: SAS, UpCOM)- một trong những doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn nhất tại thị trường trong nước, chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), sân bay Cam Ranh.

Cụ thể, theo báo cáo về tình hình quản trị 6 tháng đầu năm của Sasco, ông Nguyễn Hạnh- Chủ tịch HĐQT SAS đang là đại diện quản lý 60.453.600 cổ phiếu SAS của nhóm cổ đông IPP Group, DAFC, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) và 200.000 cổ phiếu thuộc sở hữu cá nhân; tương ứng tổng tỷ lệ sở hữu cuối kỳ là 45,44%.

Ngoài ra, bà Lê Hồng Thủy Tiên- Chủ tịch DAFC, cũng đang sở hữu 50.000 cổ phiếu SAS, tương ứng tỷ lệ 0,0375% vốn của Sasco.

Được biết đến là "vua hàng hiệu" tại Việt Nam nhưng thực tế thì lợi nhuận các công ty kinh doanh thời trang, mỹ phẩm cao cấp của ông Hạnh Nguyễn lại có phần kém xa so với Sasco.

Theo BCTC quý II/2023 đã soát xét, doanh thu thuần của doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm 2023 ở mức gần 1.173 tỷ đồng, gấp hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 110,4 tỷ đồng, tăng gần 29% so với quý II/2022.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn của Sasco ở mức hơn 2.125,6 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả cũng tăng từ mức 518,3 tỷ đồng lên 676,3 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu ở mức 1.449,4 tỷ đồng.

Quay trở lại với IPP Group, ngoài mảng thời trang- hàng hiệu và hàng không (đầu tư vào Sasco, nhà ga quốc tế Cam Ranh); tập đoàn nhà "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như: nhượng quyền đồ ăn nhanh, kinh doanh rượu (IPP Sprits), kinh doanh nguyên liệu thuốc lá (IPP Leaf), logistics, bán lẻ đồ công nghệ,...

Bạch Hiền

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-nha-vua-hang-hieu-johnathan-hanh-nguyen-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-2053633.htm