Việt Nam là một trong những thị trường logistics phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhờ vào sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT). Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngành logistics Việt Nam đóng góp khoảng 4-5% vào GDP của quốc gia và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành logistics Việt Nam. Báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company thể hiện, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ kép hàng năm (CAGR) là 29% từ nay đến năm 2025.
Dù hỗ trợ đà tăng cho ngành logistics, song chi phí logistics hiện lại là một trong những bài toán lớn của TMĐT. So với quá khứ, áp lực chi phí có nhiều cải thiện nhưng chi phí logistics ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao, chiếm khoảng 20-25% GDP, so với mức trung bình của thế giới là khoảng 10-15% GDP. Điều này đã đặt ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Chia sẻ tại sự kiện về giải pháp dịch vụ logistics trực tuyến cho các nhà bán hàng Việt Nam mới đây, ông Rouger Lou - Giám đốc Alibaba.com Việt Nam thừa nhận logistics là một trở ngại lớn đối với các SME. Dù số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên các sàn TMĐT xuyên biên giới tăng trong 5 năm gần đây nhưng chi phí logistics cao vẫn là "rào cản" chính của SME.
Trong đó, bà Thu Lê - Phó Giám đốc marketing của một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản khô - cho biết giá trị đơn hàng Công ty nhiều khi chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng chi phí vận chuyển đi nước ngoài lại khá cao, điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tương tự, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty DSW (chuyên kinh doanh nông sản trên sàn TMĐT Alibaba.com) nhấn mạnh chi phí logistics Việt Nam đang khá cao so với Trung Quốc, theo đó sức cạnh tranh hàng Việt sẽ giảm trên thị trường xuất khẩu trực tuyến.
"Các năm trước đây, dù bán trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nhưng khi có đơn hàng chúng tôi vẫn phải tự tìm đơn vị vận chuyển. Vì vậy sức ép chi phí và rủi ro hàng hóa luôn là áp lực với doanh nghiệp. Một năm trở lại đây, các sàn TMĐT xuyên biên giới bắt đầu tích hợp các đơn vị vận chuyển, đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam được ghép chuyến với các nước lân cận trong khu vực, từ đó giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nước ta", bà Yến Phi nói.
Dưới góc độ nền tảng như Alibaba.com, ông Lou nhìn nhận: "Mặc dù TMĐT xuyên biên giới đang bùng nổ và mở ra nhiều cơ hội cho các SME, nhưng họ cũng phải phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc tối ưu hóa quy trình xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải tìm kiếm giải pháp vận chuyển hiệu quả và đáng tin cậy để đảm bảo giao hàng đúng hẹn, đồng thời giảm thiểu chi phí và các rủi ro về hàng hóa".
Vị này cho rằng việc cung ứng các dịch vụ logistics trực tuyến là điều cần thiết đối với các SME trong thương mại toàn cầu cũng là cách để giữ chân doanh nghiệp trên nền tảng. Theo đó, những năm gần đây Alibaba.com đã kết hợp với hai "ông lớn" logistics trên thế giới là UPS và DHL để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khoảng từ thời gian 3 đến 7 ngày.
Thông qua các đối tác chuyển phát nhanh quốc tế, Alibaba.com cho biết sẽ đảm bảo rằng hàng hóa được vận chuyển an toàn và đúng lịch trình. Đồng thời cung cấp các công cụ theo dõi đơn hàng chi tiết, dịch vụ tư vấn hải quan, và các giải pháp bảo hiểm hàng hóa. Nền tảng còn hỗ trợ doanh nghiệp khi xuất khẩu qua Châu Âu vì thị trường này đặc thù là thuế phí, nếu không có kinh nghiệm rất khó để gia nhập thị trường lớn này.
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn