CTCP Tập đoàn Thái Tuấn là một trong những doanh nghiệp dệt may lâu đời ở Việt Nam với gần 3 thập kỷ hoạt động. Theo tìm hiểu, công ty được thành lập từ năm 1993 tại địa bàn TP.HCM. Từ ngày thành lập đến nay, công ty chỉ chuyên sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may và luôn chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Tập đoàn Thái Tuấn gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Thái Tuấn Chí. Tuy nhiên, nhiều dữ liệu cho thấy Tập đoàn này đã đổi chủ, người thay ông Chí là ông Trần Hoài Nam (SN 1983).
Cụ thể, năm 2020, ông Nam đã trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Thái Tuấn. Vị doanh nhân SN 1983 này còn trở thành đại diện pháp luật hàng loạt công ty trong hệ sinh thái Thái Tuấn như:CTCP đầu tư Thái Tuấn, CTCP Del Tech, Công ty TNHH lụa Thái Tuấn, CTCP Dệt Thái Tuấn.
Ngoài ra ông Trần Hoài Nam còn mang hơn 85 triệu cổ phần của Tập đoàn Thái Tuấn và 15 triệu cổ phần tại Del Tech để thế chấp cho ngân hàng SacomBank.
Dữ liệu về ông chủ mới của Tập đoàn Thái Tuấn khá ít ỏi. Năm 2022, ông Trần Hoài Nam mới được nhiều người biết đến khi cùng Tập đoàn Thái Tuấn đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (MCK: YEG). Cụ thể, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn đã đăng ký mua vào 25.165.440 cp, chiếm 22,89%YEG. Đồng thời ông Nam trở thành thành viên HĐQT của YEG.
Tuy nhiên, tháng 12/2022, Chủ tịch Tập đoàn Thái Tuấn đã xin rút khỏi HĐQT YEG với lý do công việc cá nhân.
Ngoài thương vụ đầu tư vào YEG, ông Trần Hoài Nam còn xuất hiện trước truyền thông trong những đợt lãnh đạo tỉnh Long An đến thăm và chúc tết nhà máy của Tập đoàn Thái Tuấn.
Theo tìm hiểu của PV, ông Trần Hoài Nam là người gốc Phú Yên và từng lập một số công ty tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công ty của ông Nam hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá, sỏi, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Dữ liệu của PV cho thấy, ông Trần Hoài Nam là giám đốc của Công ty TNHH công nghiệp nặng Hi Sa và Công ty TNHH Una Bà Rịa. Các công ty này hiện không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Công ty TNHH Una Bà Rịa có địa chỉ tại mỏ đá 1, ấp Tân Châu, xã Châu Pha trước đây là đối tác của Công ty TNHH Bu Ki – doanh nghiệp do người liên quan của ông Trần Hoài Nam làm đại diện pháp luật. Công ty Bu Ki hiện nay cũng không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Trở lại với Tập đoàn Thái Tuấn, Báo cáo tài chính năm 2022 của tập đoàn công bố cho thấy, vốn chủ sở hữu của Thái Tuấn ở mức 1.725 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,08% so với kỳ báo cáo năm 2021.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 145,78%, tương ứng số dư nợ phải trả của doanh nghiệp này là 2.514 tỷ đồng, tăng 77,7% so với số dư nợ phải trả của năm 2021 là 1.414 tỷ đồng.
Hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 46,35%, tương ứng số dư nợ trái phiếu là 799,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số dư nợ trái phiếu năm trước là 796,8 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp ghi nhận giảm từ 0,78% còn 0,55%. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ghi nhận 9,5 tỷ đồng, giảm 29% so với, lợi nhuận năm 2021 là 13,46 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Tập đoàn Thái Tuấn có 2 đợt phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng với lãi suất 11%, thời hạn 1 năm (đáo hạn năm 2022). Tuy nhiên, Tập đoàn này đến nay không thể thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Ngày 12/4 vừa qua, Thái Tuấn đã họp với trái chủ, thông qua việc chấp thuận điều chỉnh giá bán các tài sản bảo đảm là bất động sản gồm: quyền sử dụng đất và tài sản của nhà số 7,8,9 Trang Tử, phường 4, Quận 5, TP. HCM từ 135 tỷ đồng về 75 tỷ đồng; chấp thuận chỉ thị đại lý quản lý tài sản bảo đảm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm đến hết ngày 30/4/2023. Trong trường hợp thu được tiền từ tài sản bảo đảm trên (75 tỷ đồng), trái chủ đồng ý cho Thái Tuấn được giãn nợ số tiền còn lại, tuy nhiên thời hạn cụ thể bao lâu không được công bố.
Giang Nam
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/doanh-nhan-tran-hoai-nam-tu-ong-chu-mo-da-den-tap-doan-thai-tuan-2051614.htm