Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với doanh thu 23.750 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng hơn 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu cao nhất của hãng kể từ sau đại dịch Covid-19 do các thị trường quốc tế như Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ phục hồi tốt.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng hóa ở mức cao nên Vietnam Airlines chỉ thu về 1.240 tỷ đồng lợi nhuận gộp, gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đây là quý thứ 3 công ty có lãi gộp trở lại từ sau dịch Covid-19.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Vietnam Airlines giảm 4% về 176 tỷ đồng. Trong khi các chi phí khác đều tăng: Chi phí tài chính tăng 24% lên 1.8945 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 61% lên 1.371 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7% lên 543 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi tất cả các loại chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ ròng 2.203 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 13% so với cùng kỳ nhưng lại tăng 70% so với quý liền trước. Như vậy, HVN đã chìm trong thua lỗ 15 quý liên tiếp.
Giải trình về kết quả này, HVN cho biết, hiện hoạt động kinh doanh vận tải của hãng vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Đài Loan… và các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Vietnam Airlines thu về 68.089 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 32% so với cùng kỳ và lỗ 3.534 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với 9 tháng đầu năm 2022.
Không chỉ kinh doanh bết bát, tình hình tài chính của hãng bay cũng cho thấy sự bất ổn. Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đạt 60.328 tỷ đồng, giảm 251 tỷ đồng so với đầu năm.
Tài sản ngắn hạn là 15.410 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 3.900 tỷ đồng. Phần lớn tài sản ngắn hạn nằm ở khoản phải thu 5.833 tỷ đồng và hàng tồn kho 4.083 tỷ đồng. Tài sản dài hạn gồm 44.917 tỷ đồng, chủ yếu là 35.603 tỷ đồng tài sản cố định.
Nợ phải trả của HVN tăng thêm 5% so với số đầu năm lên 74.278 tỷ đồng, chủ yếu là 59.810 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Hiện, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục âm 13.950 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Lỗ lũy kế tính đến hết quý III/2023 ở mức gần 38.000 tỷ đồng.
Đến nay, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022. Trong thông báo mới nhất, hãng hàng không quốc gia cho biết sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 15/11 tới đây sau nhiều lần trì hoãn.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/doanh-thu-hoi-phuc-vietnam-airlines-van-lo-hon-3500-ty-dong-sau-9-thang-dau-nam-2055192.htm