"Cứ đến hẹn lại lên", vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới của người dân lại tăng cao. Những mệnh giá như 10.000, 20.000, 50.000, 100.000 VND được người dân tìm đổi rất nhiều.
Đánh vào tâm lý này, trên trang mạng xã hội, nhiều cá nhân đăng bài quảng cáo rầm rộ dịch vụ đổi tiền mới. Những lời chào mời trên mạng xã hội vô cùng hấp dẫn như "phí đổi thấp", "cam kết tiền thật", "tiền nguyên seri"… khiến một số người dân rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang.
Một người phụ nữ đến từ Hà Nội mới đây cũng rơi vào tình trạng bị lừa đảo. Thông qua nhóm đổi tiền mới trên mạng xã hội, người này liên hệ với người đăng tải thông tin chào "đổi tiền mới". Mức phí lên tới 4% tổng số tiền cần đổi. Sau một lần một giao dịch thành công, người phụ nữ tin tưởng tiếp tục chuyển khoản tiền để đổi. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền lần 2, tài khoản facebook cá nhân và toàn bộ số điện thoại của đối phương đều ngắt kết nối. Bởi số tiền chỉ 10 triệu đồng, người phụ nữ đành chấp nhận mất tiền mà không trình báo cơ quan chức năng.
Thực tế, trong quá trình đổi tiền mới, một số người chia sẻ họ còn gặp phải tình huống: Vừa mất phí, vừa nhận được cọc tiền bên trong "độn" nhiều tiền cũ, nát hoặc bị "rút ruột" gần chục tờ.
Trước tình trạng này, mới đây, một ngân hàng Big 4 là Agribank đã lên tiếng khuyến cáo người dân về việc đổi tiền mới. Đáng chú ý, ngân hàng này còn cho biết: Không ít trường hợp người dùng đổi tiền mới chỉ nhận về cọc tiền giả.
Ngoài ra có nhiều trường hợp tiền bị rút ruột, không đúng seri lẫn tiền cũ nát, thậm chí có người đã mất toàn bộ số tiền cọc trước và bị cắt liên lạc…
Ngân hàng Agribank cũng khuyến cáo người dân, khách hàng không đứng ra đổi tiền bất hợp pháp; chủ động phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động đổi tiền nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo quy định của pháp luật, việc đổi tiền mới, tiền lẻ hưởng phần trăm chênh lệch là trái pháp luật. Cụ thể, tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.
Đức Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/doi-tien-moi-li-xi-tet-vua-mat-phi-vua-nhan-ve-coc-tien-gia-2059447.htm