Drama quay xe ‘khét lẹt’ của ChatGPT: Tình hình quá hỗn loạn, OpenAI muốn mời nhà sáng lập quay lại

Sự hỗn loạn sau khi Sam Altman ra đi đã khiến những nhà đầu tư như Microsoft dù tuyên bố hợp tác với dàn lãnh đạo mới nhưng lại âm thầm gây sức ép để OpenAI thay đổi quyết định cũ.

Drama quay xe ‘khét lẹt’ của ChatGPT: Tình hình quá hỗn loạn, OpenAI muốn mời nhà sáng lập quay lại - Ảnh 1.

Hãng tin CNBC cho hay quyết định "đảo chính" của một số nhà đồng sáng lập tại OpenAI với cựu CEO Sam Altman có vẻ đang đi chệch hướng khi tạo nên vô số sự hỗn loạn.

Trước tình hình này, nguồn tin của CNBC cho hay các nhà đầu tư đã gây sức ép để buộc Hội đồng quản trị OpenAI thảo luận về việc mời nhà sáng lập Sam Altman quay lại.

Trên thực tế, chính Microsoft, hãng đã đổ 13 tỷ USD đầu tư cho OpenAI, và quỹ Thrive Capital là 2 trong số các nhà đầu tư đã phản đối việc loại bỏ Sam Altman trước đó và hối thúc việc đưa nhà sáng lập này trở lại.

Thế nhưng, tờ The Verge cho hay cha đẻ ChatGPT đang khá lưỡng lự đến việc có quay lại OpenAI hay không.

Chỉ 1 ngày sau cuộc "đảo chính" đầy bất ngờ, Hội đồng quản trị OpenAI đã chịu sức ép cực lớn trước đống hỗn độn do mình gây ra và buộc phải đàm phán với Sam Altman.

Sau quyết định sa thải CEO Sam Altman, một thành viên khác trong Hội đồng quản trị là Greg Brockman đã từ chức, kéo theo một số chuyên gia để cùng Sam Altman sáng lập công ty mới.

Tờ The Information cho hay hiện 3 chuyên gia hàng đầu của OpenAI bao gồm giám đốc nghiên cứu Jakub Pachocki, trưởng nhóm đánh giá nguy cơ tiềm tàng của AI Aleksander Madry và nhà nghiên cứu Szymon Sidor đã làm việc 7 năm tại công ty, đều đã quyết định ra đi nhưng chưa công bố chính thức.

Động thái này đã khiến các nhà đầu tư như Microsoft lo lắng khi cho thấy OpenAI đang bị xáo trộn nghiêm trọng vì có nhiều nhân viên bất mãn với cuộc "đảo chính" trên.

Sự chia rẽ này được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phát triển của OpenAI sau thành công của ChatGPT và Dall E.

Mặc dù phía Microsoft tuyên bố với truyền thông rằng họ vẫn sẽ hậu thuẫn và hợp tác cùng đội ngũ lãnh đạo mới của OpenAI nhưng giới chuyên gia cho rằng động thái loại bỏ gương mặt Sam Altman trong bối cảnh ngày càng nhiều đối thủ bắt kịp ChatGPT là động thái quá vội vàng.

Tờ The Verge cho hay Hội đồng quản trị hiện tại của OpenAI bao gồm trưởng nhóm khoa học Ilya Sutskever, Giám đốc điều hành Quora Adam D'Angelo, cựu giám đốc điều hành GeoSim Systems Tasha McCauley và Giám đốc chiến lược Helen Toner tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Georgetown.

Do xuất phát điểm là một tổ chức phi lợi nhuận nên mô hình của OpenAI không giống truyền thống, nơi Hội đồng quản trị không có nhiệm vụ tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông, thậm chí chính các thành viên hội đồng cũng chẳng có cổ phần trong công ty.

Thay vào đó, sứ mệnh của họ là đảm bảo tạo ra mô hình trí tuệ nhân tạo tổng quát có lợi cho nhân loại.

Lợi nhuận hàng năm của OpenAI sẽ được phân bổ cho các nhà đầu tư, bao gồm cả Microsoft, và nhân viên nhưng chúng sẽ bị giới hạn. Dù đổ đến 13 tỷ USD vào đây nhưng Microsoft không có ghế hội đồng quản trị và không có quyền kiểm soát. Tất cả giá trị vượt giới hạn sẽ được trả lại cho tổ chức phi lợi nhuận để phục vụ lợi ích của nhân loại.

Chính vì cơ cấu như vậy mà Hội đồng quản trị OpenAI có thể sa thải bất cứ ai trong công ty, kể cả người nắm quyền cao nhất.

*Nguồn: CNBC, The Verge 

Băng Băng

Băng Băng

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/drama-quay-xe-khet-let-cua-chatgpt-tinh-hinh-qua-hon-loan-openai-muon-moi-nha-sang-lap-quay-lai-2055818.htm