Dự án số 6-8 Chùa Bộc của Tổng công ty 36 ‘biến’ thành bãi đỗ xe?

Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến thời điểm hiện tại, Dự án Khu nhà ở cao tầng, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại số 6-8 Chùa Bộc của Tổng Công ty 35 bỗng "mọc" lên một bãi đỗ xe rộng lớn.

du-an-so-6-8-chua-boc-cua-tong-cong-ty-36-bien-thanh-bai-do-xe-antt-1681887803.jpg
Dự án 6-8 Chùa Bộc hiện đang là bãi đỗ xe ngày đêm.

Dự án Khu nhà ở cao tầng, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại số 6-8 Chùa Bộc (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) được triển khai theo Hợp đồng số 268/2017/HĐHTKD/36-TL-APG-VCAP ngày 31/12/2017, thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tổng Công ty 36 -CTCP (MCK: G36, UpCOM) và Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc, Công ty TNHH Đầu tư Xây lắp Thương mại và Công nghệ An Phú và Công ty CP Đầu tư VCapital.

Các bên sẽ góp vốn để thanh toán tiền mua bất động sản theo tỷ lệ quy định và Tổng Công ty 36 đứng ra làm đầu mối thu tiền và thanh toán cho bên bán. Tại Phụ lục hợp đồng số 01/2018/HĐHTKTKD/36-TL-APG-VCAP ngày 1/6/2018, tỷ lệ vốn góp đầu tư của 4 đơn vị được điều chỉnh là: Tổng Công ty 36 góp 30%, Công ty Trường Lộc góp 25,75% (tương ứng hơn 110,7 tỷ đồng), Công ty An Phú 20% (tương ứng gần 86 tỷ đồng) và VCapital là 24,25% (tương ứng gần104,3 tỷ đồng).

Trước đây, Dự án 6-8 Chùa Bộc được phê duyệt là một tổ hợp Trung tâm thương mại - Văn phòng - Khách sạn cao cấp quy mô lớn, cao 21 tầng. Sau khi được chuyển nhượng cho Tổng công ty 36 của Chủ tịch Nguyễn Đăng Giáp, dự án được chuyển đổi thành dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại với quy mô 24 tầng nổi và 4 tầng hầm, mật độ xây dựng tối đa 45%.

Tuy nhiên, suốt giai đoạn từ 2016 đến 2020, Tổng công ty 36 “mắc kẹt” tại dự án 6-8 Chùa Bộc do một số doanh nghiệp thuê đất kinh doanh quán bar, nhà hàng… ngang nhiên hoạt động, chây ì không chịu trả mặt bằng.

du-an-so-6-8-chua-boc-cua-tong-cong-ty-36-bien-thanh-bai-do-xe-antt-2-1681887912.jpg
 

Sau nhiều rắc rối về mặt pháp lý, Tổng công ty 36 đã được Cục Thi hành án dân sự Hà Nội bàn giao lại lô đất 6-8 Chùa Bộc (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) để thực hiện dự án có tên thương mại Hà Nội Orchard Park.

Hồi tháng 4/2021, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 36 Nguyễn Đăng Giáp cho biết phía công ty đã làm văn bản và đưa ra tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Kết luận đã có và được đền bù 25 tỷ đồng, được trả lại mặt bằng.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của PV, tại vị trí dự án trên khu vực “đất vàng” của quận Đống Đa, không thấy dấu hiệu xây dựng chung cư hay trung tâm thương mại nào mà thay vào đó là bãi gửi xe ngày đêm.

Mọi cơ sở vật chất từ mái che, bốt bảo vệ đều được trang bị đầy đủ và hiện đại. Bãi xe đã hoạt động được một thời gian với số lượng xe ra-vào không hề nhỏ.

Đáng chú ý, trên biển tại cổng vào có logo của Tổng Công ty 36. Bảng nội quy bãi xe cũng thể hiện Tổng công ty 36 phối hợp với CTCP TM & HT Trịnh Nguyên Phát quản lý.

Theo BCTC hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán mà G36 công bố, tại mục thuyết minh Chi phí xây dựng cơ bản dở dang, các chi phí phát sinh tính đến ngày 31/12/2022 tương ứng với phần diện tích bất động sản chủ sở hữu sử dụng và làm sàn thương mại, cho thuê tại dự án này bao gồm: tiền thuê đất, lệ phí trước bạn, chi phí lãi vay, chi phí thẩm định, tư vấn, chi phí Ban quản lý dự án,.. là hơn 218,2 tỷ đồng.

Dư luận đặt câu hỏi về tính hợp pháp của dự án bãi đỗ xe trên khu đất dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ số 6-8 Chùa Bộc của Tổng công ty 36. Ai cấp phép cho G36 của Chủ tịch Nguyễn Đăng Giáp chuyển đổi công năng sử dụng dự án hay đây là việc làm tự phát của chủ đầu tư?

PV đã liên hệ với Tổng công ty 36 để tìm hiểu thêm thông tin về dự án này song chưa nhận được phản hồi.

Nhóm PV

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/du-an-so-6-8-chua-boc-cua-tong-cong-ty-36-bien-thanh-bai-do-xe-205952777.htm