Dự báo lãi suất huy động tăng tới 1% kể từ đáy, chuyên gia chỉ ra yếu tố chi phối thị trường tiền tệ thời gian tới

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong các tháng tới, sẽ có một số diễn biến vĩ mô quan trọng cần theo dõi trên thị trường tiền tệ.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu bán ngoại tệ, đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã dừng lại. Trong suốt 2 tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank gần như không đổi ở mức 25.127-25.457 đồng/USD. Cùng với đó, tỷ giá trên thị trường tự do cũng neo ở mức cao khoảng 25.700-25.800 đồng/USD đối với chiều bán ra. Quy mô bán ngoại tệ của NHNN từ 19/04 đến nay không quá lớn, ước chỉ khoảng 500-700 triệu USD ( tương đương 13-18 nghìn tỷ đồng).

Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng, ba yếu tố giúp tỷ giá ngừng tăng thêm là 1) đồng USD gặp đang ngưỡng cản ở vùng 105-106, 2) Hoạt động điều tiết của NHNN trên thị trường mở khiến mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng neo ở mức cao, bình quân khoảng 4,2%/năm đối với lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng trong hai tuần cuối tháng 4, và 3) mặt bằng lãi suất trên thị trường mở nhích lên cùng với lãi suất huy động tăng trở lại cũng tác động đến kỳ vọng về tỷ giá.

Theo nhóm phân tích, kịch bản kiểm soát đà mất giá tiền đồng ở mức 5% có thể giữ được trong ngắn hạn, tuy nhiên, biến số về triển vọng lãi suất của Fed và khả năng đồng USD phục hồi vẫn đang khiến cho rủi ro mất giá tiền đồng vẫn hiện hữu.

Diễn biến đáng chú ý trong tháng 4/2024 theo sau hành động can thiệp để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng là lãi suất huy động đã tăng trở lại từ vùng đáy. Cụ thể, xu hướng lãi suất của nhóm NHTMCP Nhà nước có sự phân hoá. Trong khi BIDV và VietinBank lần lượt điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1-9 tháng thêm 10-20 điểm cơ bản, Vietcombank giảm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn thêm 10 điểm cơ bản so với cuối Q1/2024, lãi suất huy động tại Agribank không đổi.

Lãi suất huy động của nhóm NHTMCP tư nhân ghi nhận mức tăng mạnh hơn từ 20-50 điểm cơ bản trong tháng 4/2024. Đặc biệt, mức tăng mạnh nhất ở các kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) thuộc về nhóm NHTMCP tư nhân cấp nhỏ trong khi các NHTMCP thuộc diện tái cơ cấu có xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài hơn (từ 6 tháng trở lên). So với đầu năm, lãi suất huy động bình quân vẫn thấp hơn khoảng 50-75 điểm cơ bản.

Quan sát thêm diễn biến lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá gần đây, VDSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 50-100 điểm cơ bản từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.

Theo VDSC, trong các tháng tới, một số diễn biến vĩ mô quan trọng cần theo dõi trên thị trường tiền tệ gồm: 1) NHNN có khả năng sẽ hút ròng trở lại nhằm duy trì mức nền lãi suất đủ cao trên thị trường liên ngân hàng để ứng phó với áp lực tỷ giá, 2) yếu tố thúc đẩy áp lực mất giá tiền đồng có thể quay trở lại nếu Fed trì hoãn thêm thời điểm cắt giảm lãi suất hoặc 3) động thái giảm lãi suất của các NHTW lớn (trừ Fed) tạo cơ hội để đồng USD phục hồi qua ngưỡng cản 105-106.

Quốc Thụy

Quốc Thụy

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/du-bao-lai-suat-huy-dong-tang-toi-1-ke-tu-day-chuyen-gia-chi-ra-yeu-to-chi-phoi-thi-truong-tien-te-thoi-gian-toi-20514246.htm