Dư nợ tín dụng bất động sản gần 2,9 triệu tỷ đồng

Theo NHNN, tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng, vay tiêu dùng 1,79 triệu tỷ đồng.

du-no-tin-dung-bat-dong-san-gan-29-trieu-ty-dong-antt-1713150071.png
Ảnh minh họa.

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống kê tại báo cáo vừa gửi tới đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023.

Theo NHNN, trong các năm 2015 - 2016, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu bất động sản khoảng 4,2%.

Tuy nhiên, những năm tiếp theo tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng nhanh. Năm 2017 tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, xây dựng của hệ thống ngân hàng tăng lên 529.000 tỷ đồng, tăng 9,21%, tỷ lệ nợ xấu với bất động sản cũng tăng lên 4,58%.

Từ năm 2018 đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao.

Năm 2019, tín dụng cho vay bất động sản tăng 23,26%, đạt ngưỡng 1,6 triệu tỷ đồng.

Thời điểm dịch bệnh 2020-2021, dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt là 12,06% và 15,7%.

Năm 2022, dư nợ bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,91% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, tín dụng cho vay bất động sản tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng.

Đánh giá về cơ cấu cho vay, NHNN cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng với bất động sản chủ yếu là dư nợ trung và dài hạn (chiếm trên 90% tổng dư nợ). 

Trong giai đoạn 2015 - 2023, tín dụng với lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng từ 18 - 21% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, NHNN đã ban hành các Thông tư 36, 22, 41 trong những năm qua quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng từ 24 -34%.

Theo NHNN, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản cao trên tổng dư nợ còn cao (khoảng trên 30% trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản), tiềm ẩn rủi ro tín dụng. Tỷ lệ này có sự giảm dần từ năm 2020 tới năm 2022 và đạt cao nhất vào năm 2023. 

Dư nợ tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng/tự sử dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 70%. Tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2022 (68,72%) và thấp nhất vào năm 2023 (62,12%).

Về bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai, theo NHNN, lũy kế trong giai đoạn 2015-2023 các tổ chức tín dụng đã cam kết bảo lãnh khoảng 307.000 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Xây dựng có đề nghị NHNN tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản. 

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.

Bạch Hiền (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/du-no-tin-dung-bat-dong-san-gan-29-trieu-ty-dong-20512798.htm