Theo báo cáo soát xét bán niên 2023 của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (MCK: DLG), tại thời điểm 30/6, quy mô tổng tài sản của công ty đạt 5.702 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm gần 4.570 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 1.133 tỷ đồng.
Đáng nói, tổng vay nợ tài chính đã chiếm tới 2.947 tỷ đồng, tức hơn nửa nguồn vốn, đồng thời gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, vay nợ tài chính ngắn hạn của Đức Long Gia Lai ở mức 1.172 tỷ đồng. Trong đó, công ty có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, quá hạn chưa thanh toán là 1.035 tỷ đồng (trong đó, 1.030 tỷ đồng là các khoản vay ngân hàng và của các tổ chức khác).
Trong khi đó, vay nợ tài chính dài hạn ở mức 1.775 tỷ đồng và không có khoản vay dài hạn nào quá hạn thanh toán.
Theo thuyết minh, chủ nợ lớn nhất của Đức Long Gia Lai tính đến hết quý II là ngân hàng BIDV với tổng dư nợ hơn 2.224,7 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn là 269,4 tỷ đồng, vay dài hạn là 1.529,4 tỷ đồng và dư nợ trái phiếu là gần 478 tỷ đồng.
Đáng nói, dư nợ trái phiếu tại BIDV đều quá hạn gồm 360 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn cuối năm 2019 và 117 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn cuối 2022. Công ty cũng chủ yếu dùng các tài sản cố định, dự án BOT... để thế chấp cho các khoản vay dài hạn tại BIDV.
Chủ nợ lớn thứ hai của Đức Long Gia Lai là Vietinbank với tổng dư nợ 501 tỷ gồm vay ngắn hạn 22,6 tỷ đồng và 478,4 tỷ đồng vay dài hạn. Tài sản thế chấp cho khoản vay dài hạn tại Vietinbank là toàn bộ quyền khai thác, thu phí các trạm thu phí đoạn Km 817 - Km 887 trên quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông cùng các tài sản khác phát sinh từ ưu đãi đầu tư theo hợp đồng BOT.
Ngoài ra, Đức Long Gia Lai cũng vay ngắn hạn 178 tỷ đồng từ ngân hàng Sacombank, được bảo lãnh bởi ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT và tài sản hữu hình của công ty.
Còn khoản vay 55 tỷ có khoản thế chấp là toàn bộ tài sản đầu tư xây dựng gắn liền với đất và các hệ thống máy móc, trang thiết bị gắn liền với công trình xây dựng hình thành từ vốn vay.
Tại BCTC soát xét hợp nhất nửa đầu năm, Đức Long Gia Lai lỗ luỹ kế 2.042 tỷ đồng, khoản nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 1.224 tỷ. Đây cũng là cơ sở để đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) đưa ra ý kiến ngoại trừ cho báo cáo tài chính của Đức Long Gia Lai.
Tập đoàn cho biết đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm để có dòng tiền trả nợ ngân hàng trong giai đoạn 2023 - 2025. Dù vậy, đơn vị kiểm toán cho biết chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định giá trị của tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh tại ngày 30/6.
Do đó, phía kiểm toán cho rằng chưa thể xác định được giá trị của các tài sản này có phù hợp với kế hoạch trả nợ của công ty hay không. Kiểm toán kết luận điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai.
Như đã đưa tin trước đó, ngày 9/10, TAND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai theo yêu cầu của chủ nợ - CTCP Lilama 45.3 (mã L43). Lý do Đức Long Gia Lai không thanh toán khoản nợ 20 tỷ đồng cho Lilama 45.3.
Đến ngày 12/10, phía Đức Long Gia Lai đã gửi đơn khiếu nại tới TAND tỉnh Gia Lai về quyết định trên đồng thời đề nghị Toá án thu hồi quyết định mở thủ tục phá sản hoặc ra quyết định đình chỉ mở thủ tục phá sản.
Trong đơn, ông Nguyễn Tường Cọt - Tổng Giám đốc Đức Long Gia Lai cho biết, theo yêu cầu của TAND tỉnh Gia Lai tại thông báo ngày 25/7, DLG đã có công văn số 97/ĐLGL-VP ngày 9/8 giải trình về việc giải quyết công nợ với Công ty Lilama 45.3 và khả năng thanh toán công nợ của công ty.
Đồng thời, DLG cũng cung cấp cho tòa án báo cáo tài chính các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó thể hiện rõ việc công ty có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ.
Theo lãnh đạo DLG, Đức Long Gia Lai là công ty đại chúng, cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE với gần 50.000 cổ đông và vẫn đang hoạt động bình thường theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Công ty có tài sản trên 10.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác, khách hàng.
Doanh nghiệp nhận định "số nợ của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 là rất nhỏ so với tổng tài sản của Đức Long Gia Lai". Hiện nay, công ty đang thực hiện việc trả nợ dần cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án nên tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản là không đúng với quy định.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 16/10, TAND tỉnh Gia Lai cho biết đã chuyển hồ sơ vụ mở thủ tục phá sản Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai ra TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xử lý theo quy định.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng sẽ thành lập tổ thẩm phán cấp cao gồm ba người, có thẩm quyền quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai. Nếu quyết định mở thủ tục phá sản thì TAND cấp cao tại Đà Nẵng sẽ chuyển hồ sơ về cho TAND tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện theo quy định.
Hà Ly
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/duc-long-gia-lai-vay-no-tai-chinh-gan-3000-ty-dong-gap-26-lan-von-chu-so-huu-2054810.htm