Theo thông tin từ Bộ Thông tin và truyền thông, ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam đã trưởng thành với doanh thu từ các hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, hoạt động phần cứng điện tử, hoạt động nội dung số năm 2023 của Việt Nam đạt 142 tỉ USD. Trong đó doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin là 16 tỷ USD, nhân lực công nghệ 1,4 triệu, ngành phần mềm khoảng hơn 300.000 kỹ sư.
Ghi nhận, tại Việt nam, ngành công nghệ thông tin, công nghệ số đang có sự phát triển vượt bậc, 10 năm qua đều tăng trưởng 15-20%, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài cũng tham gia thị trường.
"Việt Nam cũng có những tập đoàn lớn đủ sức cạnh tranh nước ngoài như FPT, VNPT... ", ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh trong buổi đối thoại diễn ra tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động nhân chuyến thăm Việt Nam đầu tiên từ ngày 19 đến 23/5 của ông Narayana Murthy, nhà đồng sáng lập Infosys Technologies, người được gọi là "Bill Gates của Ấn Độ".
Để có thành công trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách năng động sáng tạo: như chính sách phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung. Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam có 8 khu công nghệ thông tin tập trung, với hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực hoạt động sản xuất phần mềm, hỗ trợ doanh nghiệp FDI ở Việt Nam
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ. Đơn cử, tháng 6 tới đây Chính phủ sẽ ban hành đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn tới năm 2030, trình lên quốc hội dự kiến tới 2025 sẽ ban hành luật công nghiệp công nghệ số thúc đẩy lĩnh vực này.
"Tôi hy vọng, ngày hôm nay sẽ để lại dấu ấn mới, nguồn cảm hứng mới. Nguồn cảm hứng để Việt Nam có nhiều tập đoàn công nghệ tỷ USD như Ấn Độ, nguồn cảm hứng để Việt Nam có nhiều kỳ lân như Ấn Độ, ghi dấu ấn trong hợp tác công nghệ Việt Nam và Ấn Độ để phục vụ thị trường toàn cầu", ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT kiêm Chủ tịch VINASA chia sẻ
FPT kỳ vọng sớm có thêm 1 tỷ USD thứ hai
Nói về chuyến thăm lần này, "huyền thoại" ngành công nghệ thông tin Ấn Độ đánh giá Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á, có thể tạo ra doanh nghiệp dịch vụ phần mềm như FPT. Ông khẳng định FPT nói riêng và Việt Nam nói chung là "độc nhất vô nhị".
Narayana Murthy khẳng định gần đây Việt Nam nổi lên như một điểm đến công nghệ toàn cầu, phản ánh cam kết và đầu tư của đất nước. Ông cũng đề cao lòng dũng cảm, sự chăm chỉ, tính kỷ luật, sự sáng tạo và hoài bão của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhờ những phẩm chất này, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á và là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Về phía FPT, ngay từ những năm đầu tiên, các nhà sáng lập FPT đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo tốt cũng như một chút may mắn, tập đoàn này đã vươn lên, đạt được nhiều thành công. Ông cho rằng FPT sẽ thành công hơn nữa trong tương lai.
Được biết, năm qua là năm đầu tiên, FPT đạt cột mốc 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài. Năm qua, hồ sơ khách hàng của FPT lần đầu tiên có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Khách hàng này có trụ sở tại Mỹ, là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp bộ giải pháp đầy đủ cho nhà phân phối ô tô như hàng tồn kho, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi, vận hành.
Thời gian tới, công ty sẽ thực hiện chiến lược cần bằng, phát triển song song giữa các thị trường, gồm Mỹ, Nhật và APAC, mỗi thị trường 30-35%, đảm bảo tăng trưởng trên 25%. Đồng thời chuyển dịch khách hàng, cụ thể từ năm 2018 với "chiến lược săn cá voi" chỉ tập trung vào khách hàng doanh thu triệu USD, và hiện 80% khách hàng mang lại doanh thu triệu USD cho FPT Software.
“Sau 24 năm toàn cầu hóa, FPT đạt 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài vào năm 2023, và Infosys cũng đạt được thành tựu như vậy với một khoảng thời gian tương tự. Do đó tôi có niềm tin rằng FPT sẽ chạm đến cột mốc tiếp theo, 2 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài nhanh hơn rất nhiều, với vô vàn quyết tâm, sự can đảm và nỗ lực không ngừng. FPT đang và sẽ góp phần đáng kể vào tương lai tăng trưởng của Việt Nam”, ông Narayana Murthy nhấn mạnh.
Từ chính kinh nghiệm thực tiễn của Infosys, Nhà sáng lập Infosys Narayana Murthy cho rằng, để thành công cùng với việc chọn những lĩnh vực có nhu cầu cao, thì để thành công doanh nghiệp cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng đó là Bán hàng, Kiểm soát tài chính và Nhân lực. “Nếu chúng ta không bán được hàng thì công ty sẽ không có doanh thu mà không có doanh thu thì công ty không thể hoạt động được. Khi chúng ta có doanh thu rồi thì phải đảm bảo mọi chi phí đều được kiểm soát. Hãy cố gắng chi ít hơn số tiền công ty có. Và một điều quan trọng khác là để đảm bảo hoạt động của tất cả các bộ phận trong công ty, chúng ta cần có đội ngũ nhân sự tốt”.
Cũng theo Huyền thoại CNTT Ấn Độ Narayana Murthy, điều quan trọng nhất với công ty không phải là tạo ra lợi nhuận mà là tạo ra việc làm. Ông tin rằng, khi tạo ra nhiều việc làm thì doanh số, lợi nhuận sẽ tự đến, bởi đấy mới là gốc rễ của kinh doanh, còn doanh số và lợi nhuận chỉ là hệ quả.
Cùng chung quan điểm với Nhà sáng lập Infosys, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT cho rằng, FPT cũng đang làm như vậy, FPT đang hướng tới việc tạo ra nhiều việc làm hơn để thay đổi cuộc sống của giới trẻ và hướng tới cột mốc 1 triệu nhân viên vào năm 2035.
Infosys – "Cha đẻ" ngành công nghệ thông tin Ấn Độ với với lịch sử phát triển thần tốc
Infosys được biết đến là doanh nghiệp khá lâu đời tại Ấn Độ khi được thành lập từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước với số vốn tương đối ít ỏi. Ông N. R. Narayana Murthy chia sẻ khi thành lập công ty, giấc mơ lúc đầu của ông là trở thành một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất ở Ấn độ. Tuy nhiên, thay vì tiền bạc, ông lại coi sự tôn trọng quan trọng hơn tất cả. Đây là kim chỉ nam trong suốt quá trình thành lập và phát triển của công ty.
Chỉ 6 năm sau ngày thành lập, Infosys đã mở được chi nhánh đầu tiên của mình tại Boston, Mỹ và nhanh chóng trở thành công ty đại chúng vào năm 1993. Năm 1999, công ty đạt doanh thu 100 triệu USD, đồng thời có cổ phiếu được niêm yết trên sàn NASDAQ của Hoa Kỳ.
Không dừng lại ở đó, họ tiếp tục có những bước phát triển thần tốc, mở nhiều chi nhánh tại các quốc gia khác và cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2004 và 10 tỷ USD vào năm 2016.
Infosys hiện là doanh nghiệp công nghệ thông tin Ấn Độ lớn thứ 3 vào năm 2017 và là Công ty lớn thứ 596 trên thế giới về doanh thu. Tháng 8/2021, trước sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ, lần đầu tiên giá trị thị trường của Infosys chạm tới mốc 100 tỷ USD và là công ty thứ tư của Ấn Độ chạm tới mốc này.
Tri Túc