Đường đường là công ty lớn bậc nhất thế giới nhưng Apple không làm nổi xe ô tô, để các đối thủ Trung Quốc 'dạy cho một bài học'

Từng là động lực cách mạng công nghệ, nhưng các thương hiệu Phương Tây giờ đây lại đang thua đau trước đối thủ Trung Quốc.

Đường đường là công ty lớn bậc nhất thế giới nhưng Apple không làm nổi xe ô tô, để các đối thủ Trung Quốc 'dạy cho một bài học'- Ảnh 1.

Tập đoàn công nghệ Baidu, vốn là công cụ tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc, mới đây đã giới thiệu thiết kế dòng xe điện JIDU Robocars 07. Tờ Economist cho biết hầu hết các tính năng của chiếc xe điện này được điều khiển bằng giọng nói, qua đó giảm số nút bấm hay núm xoay.

Sản phẩm này có thể lái tự động với thiết kế thể thao, có thể di chuyển đến 900km chỉ trong 1 lần sạc 12 phút.

Mức giá chào bán của chiếc xe điện nhà Baidu vào tháng 9 tới đây là 220.000 Nhân dân tệ, tương đương 30.850 USD.

Những sản phẩm như thế này đang được giới truyền thông gọi là "điện thoại 4 bánh" khi xu thế các tập đoàn công nghệ, nhất là những hãng điện thoại dịch chuyển làm xe điện ngày càng gia tăng.

Đường đường là công ty lớn bậc nhất thế giới nhưng Apple không làm nổi xe ô tô, để các đối thủ Trung Quốc 'dạy cho một bài học'- Ảnh 2.

Trong khi Baidu đang phát triển mạnh mảng xe điện tự lái thì một công ty khác là Huawei, hãng di động nổi tiếng Trung Quốc, cũng đã bắt đầu chào bán các dòng ô tô điện của mình.

Tương tự, một hãng điện thoại khác là Xiaomi cũng đã ra mắt chiếc xe điện SU7 vào tháng 3 vừa qua. Tính đến ngày 21/8/2024, Xiaomi tuyên bố đã bán được hơn 27.000 chiếc xe điện trong quý II/2024 và đang hướng đến con số 120.000 chiếc cho cả năm nay.

Hiện Xiaomi đang có 87 trung tâm kinh doanh xe điện ở 30 thành phố trên toàn Trung Quốc.

Trái ngược lại, những tập đoàn công nghệ Phương Tây lại đang chậm chân so với đối thủ.

Thương hiệu Rivian được Amazon đầu tư đã mất đến 90% giá trị kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2021.

Một cái tên xe điện khác là Waymo được Alphabet (Google) đầu tư cũng đang gặp vấn đề về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm sau các vụ trục trặc.

Tuy nhiên cái tên nổi nhất phải kể đến Apple khi hãng sản xuất iPhone này tốn đến 10 tỷ USD và gần 10 năm nghiên cứu dự án mang tên "Titan" nhưng cuối cùng phải từ bỏ.

Tại nước Anh, hãng Dyson nổi tiếng về thiết bị gia dụng như máy hút bụi hay máy sấy tóc cũng từng cố đầu tư làm xe điện nhưng thất bại.

Vậy chuyện gì đang diễn ra với những nỗi thất vọng của các tập đoàn Phương Tây, vốn từng là động lực thúc đẩy cách mạng công nghệ toàn cầu nhưng lại thua trong mảng xe điện?

Đường đường là công ty lớn bậc nhất thế giới nhưng Apple không làm nổi xe ô tô, để các đối thủ Trung Quốc 'dạy cho một bài học'- Ảnh 3.

Khác biệt

Tờ Economist nhận định thị trường Trung Quốc rất khác biệt so với Phương Tây. Khách hàng mua xe chủ yếu tại đây có độ tuổi trẻ hơn nhiều và thứ họ quan tâm nhiều nhất là phần mềm, hệ thống giải trí của sản phẩm.

Bởi vậy, những chiếc "điện thoại 4 bánh" này rất dễ được các tập đoàn công nghệ Trung Quốc tiếp cận và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Thật vậy, phần lớn những thương hiệu xe điện thành công tại Trung Quốc hiện nay đều đến từ các ông chủ vốn xuất thân từ công nghệ chứ không phải ngành ô tô.

Ví dụ Li Auto, một trong những hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc được thành lập năm 2015 bởi Li Xiang, một nhà khởi nghiệp Internet.

Trước đó vào năm 2014, hãng Xpeng cũng được thành lập bởi He Xiaopeng, một cựu chuyên gia phát triển phần mềm công nghệ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc cũng tiếp cận thị trường bằng nhiều cách để nhanh chóng dẫn đầu. Ví dụ Baidu làm trong mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến nhưng lại hợp tác với JIDU thành lập thương hiệu xe điện Geely.

Đường đường là công ty lớn bậc nhất thế giới nhưng Apple không làm nổi xe ô tô, để các đối thủ Trung Quốc 'dạy cho một bài học'- Ảnh 4.

Chiến lược này giúp Baidu tiết kiệm thời gian phát triển xe điện mà để đối tác có chuyên môn làm thay, còn hãng tập trung chủ yếu mảng công nghệ tự lái, nhận diện giọng nói và các phần mềm giải trí vốn là thế mạnh của mình.

Thậm chí thành công của Geely còn thúc đẩy Baidu thành lập Apollo Go, mảng phát triển xe taxi tự lái.

Một ví dụ khác là Huawei, hãng hợp tác với Seres phát triển dòng xe điện AITO, chuyên phụ trách mảng thiết kế phần mềm và marketing. Trong nửa đầu năm nay, hãng đã bán được đến 200.00 chiếc xe điện.

Tại cửa hàng bán xe của Huawei tại Bắc Kinh, hàng loạt sản phẩm được trưng bày như "cú tát" vào cửa hàng Apple đối diện.

Nói về điện thoại thì không thể không nhắc tới Xiaomi, dù hãng này mới tham gia làm xe điện 3 năm trước nhưng doanh số mới nhất cho thấy tình hình kinh doanh sản phẩm này đã vượt kỳ vọng.

Trên thực tế, CEO Lei Jun của Xiaomi đã từng có dự đoán bi quan rằng xe điện của hãng có lẽ phải bán với mức giá lỗ để có thể cạnh tranh trong cuộc đua dìm giá của Tesla. Thế nhưng mới đây, vị CEO được mệnh danh là "Steve Jobs của Trung Quốc" này đã đổi giọng khi tuyên bố biên lợi nhuận gộp mảng xe điện của hãng sẽ đạt 5-10%, qua đó giúp công ty tiến gần đến điểm hòa vốn.

Sau khi ra mắt dòng xe điện SU7, hãng Xiaomi đã nhận được hơn 70.000 đơn đặt hàng tính đến ngày 20/4/2024, tiến rất sát đến kế hoạch doanh số cho cả năm nay.

Sự bùng nổ về nhu cầu này đã khiến Xiaomi phải nâng cao mục tiêu doanh số lên 100.000 chiếc xe điện trong năm 2024.

Cú tát

Trong khi Apple đã phải xóa bỏ dự án xe điện tốn hàng tỷ USD và nhiều năm nghiên cứu đắt đỏ thì Xiaomi của Trung Quốc lại cho thấy khả năng hiện thực hóa giấc mơ của mình. Bởi vậy kết quả kinh doanh thành công ở mảng xe điện của Xiaomi được đánh giá là chẳng khác nào cú tát với Apple.

"Nếu tôi là Tim Cook, tôi sẽ không bao giờ làm điều đó", Lei Jun, tỷ phú sáng lập kiêm CEO của Xiaomi nói về quyết định hủy bỏ Project Titan gần đây của Apple.

Đường đường là công ty lớn bậc nhất thế giới nhưng Apple không làm nổi xe ô tô, để các đối thủ Trung Quốc 'dạy cho một bài học'- Ảnh 5.

Chỉ 1 tháng sau khi Apple công bố từ bỏ dự án kéo dài hàng thập kỷ phát triển chiếc Apple Car, đối thủ Xiaomi, hiện đang nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới công bố mục tiêu táo bạo trở thành nhà sản xuất ô tô top 5 toàn cầu bằng việc cho ra mắt mẫu xe điện đầu tiên.

Khác với hàng tỷ USD đầu tư và nhiều năm phát triển, Xiaomi chỉ mất 3 năm nghiên cứu để cho ra đời xe điện. Hiện Xiaomi đang hợp tác với BAIC để sản xuất chiếc SU7 tại một nhà máy nằm ở ngoại ô Bắc Kinh với khả năng sản xuất 1 chiếc SU7 sau mỗi 76 giây.

"Các công ty Trung Quốc không ngại thử những điều chưa từng làm trước đây trong khi các tập đoàn như Apple lại quá lớn để đưa ra những quyết định nhanh chóng", chuyên gia Tycho de Feijter của Clingendael -Hà Lan cho biết.

Phân tích của Citi cho thấy nếu doanh thu của Xiaomi đạt 300.000-400.000 USD trong năm nay thì hãng sẽ đạt điểm hòa vốn và bắt đầu có lãi. Báo cáo của Citi đã phải nâng mức dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng xe điện Xiaomi trong năm nay lên 6% thay vì mức âm 10% trước đó.

Ngoài ra, Citi cũng nâng chỉ số EPS cho Xiaomi thêm 25% trong năm nay và dự đoán hãng có lẽ sẽ bán được đến 100.000 chiếc xe điện năm 2024, khoảng 200.000 chiếc cho năm sau và 280.000 sản phẩm cho năm 2026.

*Nguồn: Economist

Băng Băng

C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/duong-duong-la-cong-ty-lon-bac-nhat-the-gioi-nhung-apple-khong-lam-noi-xe-o-to-de-cac-doi-thu-trung-quoc-day-cho-mot-bai-hoc-205242208100206274.htm