Tờ Fortune cho hay ngành công nghệ với những nhà sáng lập có tầm nhìn tốt, trở thành nhân vật quan trọng không thể thay thế của doanh nghiệp đã không còn gì xa lạ. Câu chuyện Sam Altman bị "soán ngôi’ bất thành tại OpenAI mới đây là minh chứng gần nhất cho việc một công ty công nghệ bị phụ thuộc vào một cá nhân như thế nào.
Nổi tiếng hơn thì có Elon Musk của Tesla, Sam Bankman Fried của FTX hay Elizabeth Holmes của Theranos.
Theo Fortune, mặc dù việc khởi nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro thất bại nhưng đây không phải thách thức chính. Việc thần tượng quá đà những nhà khởi nghiệp, nhà sáng lập đã tạo nên cả một tầng lớp doanh nhân tự tin thái quá đến mức kiêu ngạo (Hubris).
Một Tesla không có Elon Musk
Hãy tưởng tượng một Tesla không có Elon Musk, một Apple không có Steve Jobs hay thậm chí là một Berkshire Hathaway không có Warren Buffett. Những tập đoàn này hầu như sẽ chẳng thành công được nếu thiếu nhà lãnh đạo đầy tài năng của mình.
Thậm chí là với OpenAI, tầm quan trọng của Sam Altman được thổi phồng lên mức các nhà đầu tư như Microsoft không chấp nhận được sự thiếu vắng của họ.
Theo Fortune, những nhà lãnh đạo này đã mang đến sự độc đáo và thậm chí là cả cuộc cách mạng trong toàn ngành.
Thế nhưng khi mọi lời tâng bốc dồn vào họ mà quên đi đội ngũ đằng sau cùng xây dựng nên đế chế thì mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ hơn. Khi đó, những nhà sáng lập tài ba này bắt đầu tin rằng họ chẳng những quan trọng đến mức không thể thay thế mà còn luôn luôn đúng.
Tờ Fortune cho hay nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc "ngáo" quyền lực không chỉ dẫn đến suy giảm khả năng phán đoán mà còn hình thành nên những định kiến khiến chúng ta không muốn lắng nghe lời khuyên của người khác.
Sự thành công của Elon Musk khiến vị tỷ phú này khá kiên định với những bước đi của mình và sẵn sàng sa thải bất kỳ nhân viên nào ngáng đường. Điều này cũng tương tự như Sam Bankman hay Elizabeth Holmes khi họ kiên định với dự án của mình. Có khác chăng là một bên vẫn thành công, còn bên kia thì phải vào tù.
Vào năm 1998, giáo sư tâm lý học Dacher Keltner đã nghiên cứu một dự án mang tên "Quái vật bánh bích quy" (Cookie Monster Study). Chuyên gia này có buổi nói chuyện với một số ứng cử viên tham gia thí nghiệm, tạo cho họ cảm giác quyền lực trước khi yêu cầu chia sẻ bánh bích quy trong nhóm.
Kết quả là những thành viên này không chỉ lấy nhiều hơn phần được chia mà còn có dấu hiệu ăn uống vô độ (disinhibited eating), há miệng nhai trước mặt người khác và làm rơi vãi vụn bánh bừa bộn.
"Những người có quyền lực thường có xu hướng cư xử như những bệnh nhân đang bị tổn thương thùy trán ổ mắt trong não", chuyên gia Keltner kết luận.
Rõ ràng, các nghiên cứu khoa học về việc "ngáo" quyền lực đã có từ sớm, nhưng hầu như chẳng ai cảnh báo cho những nhà sáng lập cho đến khi họ thực sự gặp thất bại.
Steve Jobs không tạo nên iPhone
Tờ Fortune cho hay ít ai biết được rằng Amazon Prime ban đầu không phải đến từ Jeff Bezos mà là ý tưởng của một nhân viên bình thường.
Cũng ít ai nhớ được rằng Steve Jobs không phải là người nghĩ đến iPhone đầu tiên. Trên thực tế nhà sáng lập này chẳng quan tâm đến thị trường điện thoại di động cho đến khi bị các đồng nghiệp khác thuyết phục.
Thậm chí Warren Buffett, người nổi tiếng ghét cổ phiếu các hãng công nghệ, cũng chẳng phải là người quyết định mua cổ phiếu Apple. Thực tế là một trong những trợ lý của Buffett đã thuyết phục được ông rằng Apple là một công ty công nghệ đi kèm hàng tiêu dùng xa xỉ.
Chính nhờ ván cược này mà Apple trở thành một trong những khoản đầu tư thành công nhất của Berkshire Hathaway, thế nhưng công đầu của nó thì lại không đến từ Buffett.
Được hậu thuẫn nhiều từ đội ngũ nhân viên, đồng nghiệp, trợ lý là vậy nhưng cả thế giới chẳng ai nhớ đến tên họ, thay vào đó là những nhà sáng lập ra quyết định. Điều này chẳng có gì sai trong giới khởi nghiệp, doanh nhân và đầu tư, nhưng chúng sẽ tạo nên một cái bẫy vòng lặp: Thành công-Quyền lực-Kiêu ngạo-Thảm họa.
Elizabeth Holmes của Theranos và Sam Bankman Fried của FTX
Cựu trợ lý điều hành Ann Hiatt của Jeff Bezos tại Amazon, sau đó là giám đốc nhân sự cho Maisa Meyer tại Yahoo và tiếp đó là cho Google, nhận định rằng cho dù nhà quản lý có xuất sắc đến đâu thì họ cũng chẳng thể đưa ra hết được tất cả các câu trả lời cho mọi vấn đề.
Những nhà sáng lập, nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư hay doanh nhân nổi tiếng không thể lúc nào cũng đúng và việc lắng nghe ý kiến là một kỹ năng cực kỳ quan trọng. Thế nhưng kỹ năng này lại bị lu mờ dần trước những thành công liên tiếp và sự tâng bốc của mọi người.
"Những CEO này thường bị hiểu lầm khi bạn chỉ nhìn thấy ảnh trang bìa tạp chí doanh nhân của họ mà không nhìn được các góc khuất khác. Đương nhiên sự tự tin và tầm nhìn của họ là tuyệt vời, nhưng bên cạnh đó là cách họ hợp tác làm việc nhóm và lắng nghe đội ngũ của mình đã giúp những con người này trở nên thành công đến vậy", ông Hiatt nhận định.
*Nguồn: Fortune
Băng Băng