Trong báo cáo mới đây, FDIT nhận định giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường đã ghi nhận sự biến động một cách liên tục và dòng tiền không tập trung vào một nhóm ngành nhất định, trái lại đó là sự lan tỏa của dòng tiền ra gần như toàn bộ các ngành theo các giai đoạn khác nhau.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng đã thực sự trở lại và thu hút dòng tiền lớn kể từ tháng 1/2024 (với tỷ trọng trung bình >20% so với toàn thị trường), sau khi đã ẩn mình trồi sụt trong cả năm 2023 (với mức tỷ trọng trung bình chiếm 13-15%). Dòng tiền lớn này cũng là nhân tố giúp cổ phiếu Ngân hàng liên tiếp tăng tốt trong giai đoạn vừa qua.
Diễn biến khác, nhóm cổ phiếu Bất động sản và Dịch vụ tài chính lại ghi nhận dòng tiền đổ vào bất thường hơn. Bất động sản vẫn nắm giữ vị trí thứ 2 về tỷ trọng giao dịch toàn thị trường, đặc biệt đã có những lúc nhóm này thu hút dòng tiền rất mạnh với câu chuyện thông qua Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường vào tháng 1 của Quốc hội. Nhóm Dịch vụ tài chính duy trì sự ổn định trong các tuần trước đó và đã tăng mạnh dòng tiền trong 2 tuần gần nhất, trở thành nhóm có đóng góp lớn nhất vào thanh khoản chung của thị trường.
Bức tranh dòng tiền theo nhóm ngành là như vậy, tuy nhiên chỉ số các ngành không ghi nhận sự tương xứng. Từ đầu năm đến giai đoạn cuối quý 1/2024, hầu như toàn bộ các ngành đều có sự tăng trưởng trong tỷ suất lợi nhuận. Đi ngược với xu hướng này, Du lịch và Giải trí là ngành duy nhất ghi nhận tăng trưởng âm.
Hóa chất là ngành ghi nhận nhịp tăng tốt nhất (x3 lần VN-Index) trong thời gian từ đầu năm tính đến hiện tại. Sức mạnh chính cho sự tăng trưởng lợi suất đáng kinh ngạc của ngành hóa chất nằm chủ yếu ở họ nhà Vinachem và hóa chất Đức Giang (DGC). Tính từ đầu năm, hai chủ thể này đã có đà tăng rất mạnh nhờ hoạt động kinh doanh P4 đạt hiệu quả cao, đẩy hiệu suất của toàn ngành.
Ngoài Hóa chất, các ngành Bán lẻ và Hàng & Dịch vụ Công nghiệp cũng có hiệu suất trên 20%. Các ngành khác như Ngân hàng, Dịch vụ tài chính, Công nghệ thông tin cũng có sức tăng tốt nếu so với VN-Index. Ngoại trừ Du lịch và Giải trí cho hiệu suất âm thì tính trong quý 1, không có ngành nào cho hiệu suất dưới 6,5%.
Đối với các nhóm ngành có hiệu suất thấp hơn VN-Index, FIDT cho rằng hai ngành đáng chú ý nhất trong tháng 4 và quý 2 là Bất động sản và Dầu khí.
Đối với nhóm Bất động sản, trong quý 1 đã có nhiều thông tin hỗ trợ như Luật đất đai sửa đổi được thông qua và xu hướng lãi suất tiếp tục duy trì thấp. Dòng tiền hiện tại đang chú ý vào nhóm BĐS với thanh khoản tăng liên tục đối với nhóm này. FIDT nhận thấy các chính sách hỗ trợ đang dần có sự thẩm thấu vào thị trường và đã có sự phục hồi về thanh khoản trên thị trường BĐS kể từ thời điểm cuối Q2.2023.
Đội ngũ phân tích nhìn nhận chính sách đã dần lan toả và khiến thị trường BĐS khởi sắc rõ rệt hơn từ cuối 2023. Nhìn chung 2024 sẽ là năm đánh dấu cho sự phục hồi của thị trường BĐS, tuy nhiên mức độ phân hoá của những doanh nghiệp BĐS trong 2024 sẽ khá rõ rệt, những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt và những dự án đã sẵn sàng đưa vào khai thác sẽ được hưởng lợi rõ rệt trong giai đoạn này.
Tương tự, Dầu khí cũng là một ngành chưa có nhiều sự bứt phá trong 3 tháng đầu năm. Các thông tin tốt hỗ trợ cho ngành này như thông tin về đơn hàng cho các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn, thông tin về FID Lô B,... đã xuất hiện từ quý 1 nhưng vẫn cần thời gian để hấp thụ cũng như triển khai chính thức theo FIDT sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Dầu khí trong quý 2 này.
FIDT đánh giá dòng tiền sẽ tiếp diễn sự biến động và các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa mạnh trong quý 2 này. Trong đó, với việc tăng trưởng giá cổ phiếu bị kìm hãm trong thời gian qua, bất động sản và dầu khí vẫn còn dư địa bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt khi câu chuyện phục hồi của các nhóm này tươi sáng trong tháng 4 và quý 2/2024.
Nhìn chung, nhà đầu tư có thể nhìn thấy được một thị trường nhiều cơ hội, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và các doanh nghiệp trong từng ngành. Nhà đầu tư lưu ý và theo dõi các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tăng trưởng hoặc phục hồi, có câu chuyện riêng và giá chưa phản ánh hết triển vọng để tích lũy những mã tiềm năng.
Mai Chi
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/fidt-hai-nhom-co-phieu-dang-bi-kim-ham-gia-du-bao-co-co-hoi-but-pha-manh-trong-thang-4-20512180.htm