Gã khổng lồ Khu công nghiệp nắm 6.000ha đất tại Thái Lan và Việt Nam, đứng sau ‘cú nước rút’ đưa Quảng Ninh dẫn đầu thu hút FDI cả nước sau 10 tháng

KCN Amata Hạ Long do Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (thuộc Tập đoàn Amata) làm chủ đầu tư. Ngay từ những ngày đầu đến nghiên cứu tại Quảng Ninh, Amata đã xác định đây là dự án lớn nhất mà Tập đoàn triển khai tại Việt Nam.

Đầu tháng 11/2023, tỉnh Quảng Ninh thông báo số liệu trong 10 tháng năm 2023 cho biết đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI được hơn 3 tỉ USD, tạm trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trước đó, 9 tháng đầu năm nay tỉnh mới đạt hơn 800 triệu USD.

Một trong những dự án tạo nên cú nước rút cuối năm cho Quảng Ninh là Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD, đặt tại KCN Sông Khoai, hay còn gọi là KCN Amata Hạ Long.

KCN Amata Hạ Long do Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (thuộc Tập đoàn Amata) làm chủ đầu tư, được phân kỳ thành 5 giai đoạn với tổng diện tích 714 ha, tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. Ngay từ những ngày đầu đến nghiên cứu tại Quảng Ninh, Amata đã xác định đây là dự án lớn nhất mà Tập đoàn triển khai tại Việt Nam.

Gã khổng lồ Khu công nghiệp nắm 6.000ha đất tại Thái Lan và Việt Nam, đứng sau ‘cú nước rút’ đưa Quảng Ninh dẫn đầu thu hút FDI cả nước sau 10 tháng - Ảnh 1.

Cấu trúc các công ty Amata tại Việt Nam

Amata Group là tập đoàn Thái Lan được thành lập từ năm 1989 bởi doanh nhân Vikrom Kromadit. Từ một công ty nhỏ bé, dưới sự lãnh đạo tài tình của nhà sáng lập, Amata đã có bước tiến thần tốc và trở thành gã khổng lồ trong ngành phát triển bất động sản khu công nghiệp. Thông tin trên website của doanh nghiệp cho biết đang nắm hơn 6.000 ha đất tại Thái Lan và Việt Nam, đang tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang các quốc gia Đông Nam Á lân cận là Lào và Myanmar.

Năm 1997, cổ phiếu của Amata Group được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan; hiện tại, giá mỗi cổ phần này là 23.3 THB. Bên cạnh tập đoàn mẹ, Amata cũng có tới 40 công ty con và liên kết nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp vận hành các khu công nghiệp, cung cấp các dịch vụ tiện ích cho các đô thị mà họ sở hữu.

Quý 2 năm 2023, kết quả kinh doanh của Amata Group giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu của họ đạt khoảng 1,5 tỷ THB (42 triệu USD), bằng 2/3 năm 2022, chủ yếu do doanh thu bán bất động sản – một trong hai nguồn thu chính của tập đoàn bên cạnh cung cấp dịch vụ tiện ích - giảm mạnh. Điều này dẫn tới việc lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 420 triệu THB (11,8 triệu USD), tương đường với 50% cùng kỳ năm ngoái.

Tại Việt Nam, Amata Group đầu tư và kinh doanh thông qua công ty con là Amata VN PCL – vốn được niêm yết tại Thái Lan từ năm 2015. Với hơn 26 năm có mặt tại nước ta, Amata VN có vốn kinh nghiệm dày dạn trong việc phát triển các dự án khu đô thị và công nghiệp ở cả hai miền Nam Bắc. Tổng cộng, Amata đang thực hiện 5 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 khu công nghiệp và 2 khu đô thị. 

Gã khổng lồ Khu công nghiệp nắm 6.000ha đất tại Thái Lan và Việt Nam, đứng sau ‘cú nước rút’ đưa Quảng Ninh dẫn đầu thu hút FDI cả nước sau 10 tháng - Ảnh 2.

Các dự án đang triển khai của Amata Group (Ảnh: Amata)

Với khu vực miền Nam, Amata VN đang đầu tư 4 dự án, bao gồm 2 khu công nghiệp là Amata Long Thành và Biên Hoà. Amata Long Thành là sản phẩm hợp tác giữa Amata VN và Amata City Biên Hoà – một công ty con khác của tập đoàn từ năm 2015 với tổng diện tích 410 ha, số tiền đầu tư lên tới 300 triệu USD và được quy hoạch trở thành tổ hợp công nghệ cao tại đây.

Trước đó, năm 1994, Sonadezi và Amata VN đã thành lập khu công nghiệp Amata Biên Hoà tại Đồng Nai với tổng diện tích 510 ha, tổng vốn đầu tư vào khoảng 2 tỷ USD đã thu hút khoảng 190 công ty tới đặt trụ sở sản xuất (đạt 100% tỷ lệ lấp đầy), tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 60.000 lao động tính tới thời điểm hiện tại. Đây cũng chính là dự án khu công nghiệp sớm nhất và thành công nhất tại Việt Nam.

Ở khu vực miền Bắc Việt Nam, Amata đang thực hiện dự án Amata Hạ Long với điểm nhấn là khu công nghiệp Sông Khoai từ năm 2018.

Tại đây, riêng 3 dự án pin năng lượng hiện hữu tới từ tập đoàn Jinko Solar (Hong Kong) đã có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD, đúng với định hướng đầu tư của tỉnh Quảng Ninh và cho thấy sự hấp dẫn của dự án Amata Hạ Long.

Mới đây nhất, dự án này đã nhận được quyết định của tỉnh Quảng Ninh về việc tiếp tục được thuê hơn 37 ha đất phục vụ cho việc xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Sông Khoai thuộc dự án này tới ngày 29/03/2068. Khu công nghiệp này là một phần của dự án Amata Smart City Hạ Long với tổng diện tích quy hoạch lên tới 5.800 ha – mức đầu tư dự kiến vào khoảng 2 tỷ USD.

photo-1699666782208

Khu công nghiệp Sông Khoai thuộc đại dự án Amata Hạ Long (Ảnh: Baoquangninh)

Có thể thấy, Amata đã và đang đầu tư rất mạnh vào các dự án khu công nghiệp tại Việt Nam và góp phần thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài triển khai nhà máy. Trong tương lai, Amata không chỉ tập trung vào mảng này mà còn tạo ra một hệ sinh thái bất động sản với đầy đủ các chức năng tại Việt Nam, qua đó tiếp tục thu hút nhiều hơn nguồn vốn đổ về. 

 

 

 

 

Tiến Đạt

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ga-khong-lo-khu-cong-nghiep-nam-6000ha-dat-tai-thai-lan-va-viet-nam-dung-sau-cu-nuoc-rut-dua-quang-ninh-dan-dau-thu-hut-fdi-ca-nuoc-sau-10-thang-2055510.htm