Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HNX cho thấy, Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (Xây dựng 3) và CTCP Vinam Land là hai doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu co giá trị lớn nhất và thứ 2 trong tháng 6 vừa qua.
Cụ thể, Xây dựng 3 đã phát hành thành công lô trái phiếu mã XD3CH2328001 có tổng giá trị phát hành là 2.250 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng. Ngày phát hành là 20/6/2023, ngày đáo hạn là 20/6/2028.
Thông tin thống kê của HNX, lô trái phiếu này có lãi suất kết hợp giữa cố định 14%/năm và thả nổi.
Đây là lần đầu tiên phát hành trái phiếu của công ty này. Trước khi phát hành trái phiếu, trong tháng 5/2023, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, Xây dựng 3 thành lập năm 2019, trụ sở chính ở Tầng 5 tòa nhà Icon4, Số 243A Đê La Thành, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty là bà Nguyễn Thị Thu Hường.
Xây dựng 3 là đối tác nhận chuyển nhượng dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thương mại An Sinh thuộc khu D khu cửa ngõ Đông Bắc, Phường Tân Thành, TP Cà Mau, Tỉnh Cà Mau từ Công ty TNHH Đầu Tư Xây Dựng và Thương Mại CIT.
Còn Vinam Land ngày 23/6 cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu VNLCH2329001 với trị giá 1.500 tỷ đồng. Công ty không công bố chi tiết về lãi suất, tài sản đảm bảo nhưng theo HNX, lãi suất phát hành là 14%/năm.
CTCP Vinam Land thành lập ngày 28/5/2018 với tên gọi CTCP Chuẩn bị làm nhà, địa chỉ tại Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật khi đó là ông Khương Duy Thanh (SN 1991). Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 3,6 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
Tháng 4/2023, công ty chuyển trụ sở từ Hà Nội vào thôn Phú Quý, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, đồng thời đổi tên thành CTCP Vinam Land, chuyển hoạt động kinh doanh chính sang mảng bất động sản, nâng vốn điều lệ lên 490 tỷ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cũng được đổi sang ông Phạm Văn Khiên (SN 1989).
Tuy nhiên sau đó không lâu, ngày 10/5/2023, giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Vinam Land lại được chuyển sang ông Nguyễn Văn Quang (SN 1992). Ngày 24/5/2023, công ty tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 520 tỷ đồng.
Cùng ngày phát hành lô trái phiếu trị giá trên, Vinam Land đã mang hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 03/2023/HĐCN-IEXPO ký ngày 25/5/2023 giữa Vinam Land với ông Lê Văn Chí đi thế chấp tại ngân hàng.
Một điểm trùng hợp giữa Xây dựng 3 và Vinam Land là có chung tổ chức tín dụng đứng ra nhận thế chấp tài sản đảm bảo.
“Mô tuýp” chung của cả hai công ty này đều là chuyển chủ sở hữu rồi tăng vốn hàng trăm lần và sau đó là phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Có khá ít thông tin về những người đại diện pháp luật công ty để có thể tìm ra giới chủ đứng sau. Thế nhưng, những dữ liệu của PV cho thấy, có một tập đoàn kinh tế đa ngành đứng sau những lô cổ phiếu nghìn tỷ này.
Một dữ liệu của PV cho thấy, Trước khi Vinam Land nhận chuyển nhượng cổ phần từ ông Lê Văn Chí (SN 1980) 1 ngày, doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Chí mới tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên hơn 2.002 tỷ đồng (gấp 2.002 lần).
Nói về ông Chí, ngoài doanh nghiệp bán cho Vinam Land, vị doanh nhân SN 1980 còn là người đại diện pháp luật của một số công ty khác. Các công ty này có vốn điều lệ từ vài trăm tỷ cho đến cả nghìn tỷ.
Dữ liệu của PV cho thấy, ông Chí hiện là Giám đốc Công ty HD – một doanh nghiệp được thành lập từ năm 2015. Tháng 8/2022, ông Chí mới xuất hiện tại công ty này và sau đó nâng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 243 tỷ đồng.
Công ty HD là công ty mẹ sở hữu 100% vốn tại Công ty Tiến Đạt (vốn điều lệ 1.186 tỷ đồng). Khi mới thành lập năm 2019, Tiến Đạt chỉ có vốn điều lệ 8 tỷ đồng. Phải đến tháng 11/2022, công ty này đổi chủ và bất ngờ nâng vốn điều lệ lên 1.186 tỷ đồng (gấp hơn 146 lần).
Công ty Tiến Đạt vẫn chưa phải doanh nghiệp cuối cùng trong hệ sinh thái các công ty mà ông Chí đang đảm nhiệm.
Sau khi được sang tên, đổi chủ, Tiến Đạt nhanh chóng đạt thỏa thuận mua lại 99% cổ phần tại CTCP dịch vụ du lịch đầu tư Phúc Thịnh - chủ đầu tư Dự án “Khu nghỉ dưỡng và du lịch biển Long Thủy Tuy Hòa.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song từ Báo cáo tài chính năm 2022 của IDJ Việt Nam (thành viên nhóm Apec) cho thấy công ty này dự tính chi 311 tỷ đồng để sở hữu 70% vốn của Đầu tư Phú Thịnh. Tuy nhiên, thương vụ sau đó vẫn chưa được thực hiện.
Còn một số cá nhân khác trong những năm qua mua lại các công ty giá trị thấp rồi tăng vốn điều lệ. Sau đó các cổ phần tại những công ty này đều được dùng làm tài sản thế chấp cùng ngân hàng với Vinam Land, Xây dựng 3, Đầu tư Phú Thịnh hay Tiến Đạt.
PV
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/gan-4000-ty-ve-tui-hai-doanh-nghiep-vo-danh-thong-qua-kenh-phat-hanh-trai-phieu-2052549.htm