Gang thép Thái Nguyên (Tisco) lỗ hơn 179 tỷ đồng trong năm 2023

Quý IV/2023, Tisco lãi sau thuế 15,6 tỷ đồng, tuy nhiên, do 3 quý trước đó doanh nghiệp này lỗ nặng nên mức lãi của quý cuối năm này không thể đưa lợi nhuận công ty tăng trưởng “dương” trở lại.

gang-thep-thai-nguyen-tisco-lo-hon-179-ty-dong-trong-nam-2023-antt-1705450070.png
Gang thép Thái Nguyên (Tisco) lỗ hơn 179 tỷ đồng trong năm 2023. Ảnh: Tisco.

CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, MCK: TIS) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với mức lãi 15,6 tỷ đồng. Đây cũng  là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lãi kể từ quý III/2022.

Do 3 quý trước đó lỗ nặng nên mức lãi của quý cuối năm này không thể đưa lợi nhuận công ty tăng trưởng “dương” trở lại.

Kết thúc năm 2023, Tisco lỗ sau thuế hơn 179 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với mức lỗ năm trước (lỗ 8,9 tỷ đồng). Tính chung cả năm, doanh thu thuần của Tisco giảm 18,5% so với năm trước, xuống 9.530,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do doanh thu bán thành phẩm giảm 17,6%, về còn 9.511 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, Tisco lãi gộp 175,5 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 57,5% so với năm trước.

Năm 2023, Tisco đem về 31,6 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong khi đó, chi phí tài chính đạt 172,6 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay với 169 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm trước.

Các chi phí lớn khác như chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng đều giảm lần lượt 27,7% và hơn 1%, về mức 168,1 tỷ đồng và 54,4 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Tisco đạt 10.251 tỷ đồng, tăng gần 70 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền của doanh nghiệp này ghi nhận 117 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.Hàng tồn kho hơn 1.422,9 tỷ đồng, giảm 19,4% so với đầu năm.

Tại thời điểm kết thúc năm 2023, công ty có 885,1 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, tuy nhiên, trong đó có tới 347,7 tỷ đồng là dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Với tỷ lệ nợ xấu cao, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe doanh nghiệp.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Tisco vẫn là chi phí xây dựng dở dang với  6.629,7 tỷ đồng, tăng 355 tỷ đồng so với đầu năm. Theo thuyết minh, 6.626,7 tỷ đồng đang nằm tại dự án "Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II”.

Được biết, Tisco triển khai dự án này với tổng chi phí đầu tư ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng tỷ đồng. Sau đó, dự án được phê duyệt với mức đầu tư mới là 8.104,91 tỷ đồng với nhà thầu chính là công ty China Metallurgical Group Corporation.

Hiện tại, dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, Ban Lãnh đạo Công ty cùng Tổng Công ty thép Việt Nam - CTCP vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho dự án.

Ngày 20/02/2019, Thanh tra Chính phủ thông báo "Kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên". Các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Ngày 11/11/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Bản án số 531/2021/HS-PT liên quan đến Dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên. Theo bản án, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là số tiền lãi suất thực tế TISCO đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31/05/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án là 830,3 tỷ đồng; các bị cáo được nêu trong bản án phải bồi thường cho TISCO số tiền nêu trên.

Đến ngày 31/12/2023, Công ty đã nhận được số tiền bồi thường là 78,9 tỷ đồng từ Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Đây là số tiền Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã thu được từ các bị cáo. Công ty ghi giảm chi phí lãi vay đã vốn hóa của Dự án tương ứng với số tiền nêu trên.

Đến thời điểm 31/12/2023, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là: 6.627 tỷ đồng. Trong đó lãi vay vốn hoá là: 3.413 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong năm 2023 là chi phí lãi vay vốn hoá.

Về cơ cấu nguồn vốn, cuối quý IV/2023, Tisco có tổng nợ phải trả ở mức 8.546,2 tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn ở mức 6.019,3 tỷ đồng, gấp 2,7 lần tài sản ngắn hạn. Điều đó cho thấy khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp không tốt.

Tại thời điểm kết thúc năm 2023, Công ty vẫn đang sử dụng tỷ lệ đòn bẩy ở mức cao với tổng nợ đi vay là 4.475 tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng nguồn vốn và gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu (1.705 tỷ đồng).

Hà Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/gang-thep-thai-nguyen-tisco-lo-hon-179-ty-dong-trong-nam-2023-2058354.htm