'Gánh' nợ khổng lồ, một thành viên 'họ' Trung Nam Group vẫn huy động hơn 2.200 tỷ đồng trái phiếu

Trong bối cảnh các thành viên "họ" Trung Nam Group đang "gánh" nợ trái phiếu ở mức hơn 24.000 tỷ đồng và chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, thì CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Trung Nam vẫn huy động thành công lô trái phiếu đầu tiên trị giá 2.230 tỷ đồng.

Theo công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Trung Nam vừa báo cáo về việc phát hành thành công 22.300 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành là 2.230 tỷ đồng. 

Trái phiếu này có mã EDICB2325001, phát hành ngày 18/10, kỳ hạn hai năm, đáo hạn vào ngày 18/10/2025. Lãi suất 10%/năm. 

Cũng trong ngày 18/10, CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Trung Nam đã dùng 140 triệu cổ phiếu của CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam thuộc sở hữu của Công ty để thế chấp tàn sản bảo đảm cho CTCP Chứng khoán VNDirect (VND).

ganh-no-khong-lo-mot-thanh-vien-ho-trung-nam-group-van-huy-dong-hon-2-200-ty-dong-trai-phieu-1698377464.PNG
Nguồn: HNX

Đây là lô trái phiếu đầu tiên được CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Trung Nam phát hành qua đó trở thành thành viên thứ 7 thuộc CTCP Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) có phát hành trái phiếu.

Năng lượng Trung Nam thành lập vào tháng 12/2021 với vốn điều lệ 402 tỷ đồng, sau đó nâng lên gần 4.732 tỷ đồng vào tháng 4/2022. Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group, Chủ tịch HĐQT CTCP Điện mặt trời Trung Nam đồng thời là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Năng lượng Trung Nam.

Việc có thêm thành viên phát hành số lượng lớn trái phiếu trong bối cảnh Trung Nam Group đang "gánh" nợ trái phiếu chồng chất. Cụ thể, tập đoàn này đang lưu hành 11 lô trái phiếu với tổng giá trị 8.960 tỷ đồng. Trong đó có 2 lô phát hành năm 2021 trị giá 4.000 tỷ đồng, thời hạn 3 năm; 1 lô phát hành vào ngày 5/4/2022 trị giá 2.000 tỷ đồng, thời hạn 2 năm. Các lô còn lại phát hành trong nửa đầu năm 2022, đều kỳ hạn 1 năm.

Trong năm 2022, Trung Nam Group không có lô trái phiếu nào đến hạn trả gốc. Công ty trả đúng các đợt thanh toán lãi với tổng số tiền hơn 350 tỷ đồng.

Tuy nhiên sang đầu năm 2023, tập đoàn này liên tục ra thông báo về việc chậm thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu các lô đến hạn. Cụ thể, với lô trái phiếu trị giá 430 tỷ đồng phát hành ngày 24/6/2022 kỳ hạn 1 năm, công ty đã phải lùi ngày thanh toán lãi hơn 10 tỷ đồng từ 23/3 sang 27/3. Lý do được đưa ra là gặp vấn đề trong quá trình chuyển tiền từ các hệ thống ngân hàng khác nhau.

Với lô trái phiếu TNGCH2223002 phát hành ngày 22/3/2022 trị giá 300 tỷ đồng, kỳ hạn trả lãi 3 tháng/lần. Tới ngày đáo hạn 22/3/2023, Trung Nam đã thanh toán hết hơn 7 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên với số tiền gốc, công ty chỉ thanh toán được 30,5 tỷ đồng. Như vậy số tiền chậm trả là gần 270 tỷ đồng.

Về lý do chậm thanh toán, Trung Nam cho biết do lãi suất tăng cao, kỳ thu tiền điện bình quân tăng đột biến ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Với lô trái phiếu TNGCH2223001 trị giá 400 tỷ đồng phát hành ngày 16/3/2022, đáo hạn ngày 16/3/2023. Đến ngày thanh toán, công ty đã tất toán toàn bộ 9,37 tỷ đồng tiền lãi và 80 tỷ đồng tiền gốc, còn nợ lại 320 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến cuối năm 2022, CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam có dư nợ trái phiếu hơn 9.270 tỷ đồng. Trong số đó có hai mã mới nhất là TRECH2224002 phát hành ngày 29/8/2022 thời hạn 2 năm, trị giá 500 tỷ đồng; và lô còn lại mã TRECB2223001 phát hành ngày 30/6/2022 thời hạn 1 năm, trị giá 1.500 tỷ đồng. Công ty đang chậm thanh toán 86 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu. 

Ngoài ba thành viên kể trên, hệ sinh thái Trung Nam Group còn có 5 thành viên khác cũng đang chịu áp lực thanh toán trái phiếu rất lớn là CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP Điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh, CTCP Điện mặt trời Trung Nam.

Thống kê cho thấy tổng dư nợ trái phiếu tính đến cuối năm 2022 của cả nhóm ở mức 24.270 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 là gần 10.000 tỷ đồng, Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam gần 5.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, cả nhóm có 2.955,4 tỷ đồng trái phiếu đến hạn gồm 2.630 tỷ đồng huy động trong năm 2022 với kỳ hạn 1 năm, 300 tỷ đồng huy động từ 2019 và phần còn lại của lô trái phiếu TVSCH2123001 chào bán cuối năm 2021.

Ngoài 3 lô trái phiếu đã có thông báo thanh toán không đúng hạn thì còn 1 lô khác trị giá 430 tỷ đồng đến hạn 24/6, 1 lô 300 tỷ đồng đến hạn vào 3/6 và phần còn lại lô trái phiếu TVSCH2123001 trị giá 25,4 tỷ đồng đáo hạn cuối năm.

Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2022, Trungnam Group có 27.914 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả gấp 2,44 lần vốn chủ sở hữu ở mức 68.110 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu tương đương 0,87% vốn chủ sở hữu, tức khoảng 24.300 tỷ đồng. Riêng với công ty mẹ, vốn chủ sở hữu 23.561 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu 0,85 và dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu 0,17.

Đầu tháng 10 vừa qua, tập đoàn năng lượng này thông báo sẽ mua lại trước hạn lô trái phiếu TNGCB2224003 với tổng giá trị huy động 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trên cơ sở cân đối nguồn vốn đảm bảo hiệu quả hoạt động, Trungnam Group cho biết đã có kế hoạch mua lại trước hạn lô trái phiếu này chậm nhất vào ngày 17/10/2023. Tuy nhiên theo quy định, Trung Nam cần gửi thông báo cho Tổ chức đăng ký và Lưu ký cùng trái chủ về việc mua lại này trước thời điểm mua lại 1 tháng, và mốc thời gian này đã không được đáp ứng.

Do việc cân đối nguồn vốn và kế hoạch tài chính là tương đối gấp và để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Doanh nghiệp đề xuất hủy Danh sách người sở hữu nhận lãi trái phiếu ngày 28/09/2023 để thực hiện chốt danh sách mua lại trước hạn vào ngày 12/10/2023, qua đó nhằm đảm bảo thực hiện mua lại trước hạn đúng vào ngày 17/10/2023.

Giá mua lại của lô trái phiếu sẽ bằng tổng mệnh giá, lãi cộng dồn chưa thanh toán, và các khoản lãi, phí khác phát sinh.

ganh-no-khong-lo-mot-thanh-vien-ho-trung-nam-group-van-huy-dong-hon-2-200-ty-dong-trai-phieu-2-1698377439.jpg
Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group

Trung Nam Group được thành lập vào 2004, xuất phát điểm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng rồi dần mở rộng trở thành doanh nghiệp đa ngành. Trên website chính thức, Doanh nghiệp hoạt động chính trong 5 lĩnh vực: năng lượng, bất động sản, hạ tầng – xây dựng, công nghiệp thông tin điện tử.

Tập đoàn được chèo lái bởi 2 doanh nhân khá kín tiếng là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) – Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Theo thống kê, tính đến nay, tập đoàn có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án điện gió của tập đoàn đa phần hoàn thành vào cuối tháng 10/2021. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.

Hà Ly

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ganh-no-khong-lo-mot-thanh-vien-ho-trung-nam-group-van-huy-dong-hon-2200-ty-dong-trai-phieu-2055038.htm