Ảnh minh họa
Giá cà phê robusta – loại thường được sử dụng trong sản phẩm cà phê hòa tan – đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Tính đến ngày 26/6, giá robusta giao dịch nhiều nhất tại thị trường London chỉ còn 3.459 USD/tấn, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 5/2024. Sang đầu tháng 7, giá vẫn dao động quanh ngưỡng 3.600 USD/tấn, thấp hơn khoảng 40% so với đỉnh điểm 5.849 USD/tấn hồi tháng 2 năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng đợt giảm giá này phần lớn xuất phát từ kỳ vọng nguồn cung cà phê sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt từ hai nhà sản xuất hàng đầu là Việt Nam và Brazil.
Tại Việt Nam – quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất robusta – điều kiện thời tiết đang rất thuận lợi cho mùa vụ. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê robusta của Việt Nam niên vụ 2025–2026 dự kiến đạt 30 triệu bao loại 60 kg, tăng khoảng 7% so với năm trước. Sự đảo chiều trong xu hướng canh tác – từ trồng sầu riêng và hạt tiêu trở lại với cà phê – cũng đang góp phần gia tăng sản lượng. Giá các loại cây trồng thay thế như sầu riêng và hồ tiêu sụt giảm gần đây được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình này.
Tại Brazil, sản lượng robusta (còn gọi là conilon) được kỳ vọng đạt 18,7 triệu bao trong niên vụ 2025–2026, tăng mạnh 28% so với năm trước, theo số liệu từ Công ty Cung ứng Quốc gia (CONAB). Brazil vốn là quốc gia dẫn đầu về sản xuất arabica – loại cà phê chất lượng cao – nhưng trong những năm gần đây đang đầu tư mạnh vào robusta do khả năng chống bệnh tốt và dễ trồng ở vùng đất thấp. Nhiều chuyên gia tin rằng, trong dài hạn, sản lượng robusta của Brazil có thể vượt qua Việt Nam.
Trong khi đó, giá cà phê arabica cũng đang trên đà giảm. Hợp đồng giao sau được giao dịch nhiều nhất tại sàn New York đã giảm xuống còn 279,6 cent/pound vào ngày 2/7 – mức thấp nhất trong vòng 7 tháng. Mặc dù thị trường từng lo ngại sản lượng arabica năm 2025–2026 sẽ giảm, nhưng các đánh giá gần đây cho thấy mức giảm có thể không nghiêm trọng như dự báo.
Tuy vậy, arabica vẫn được dự báo duy trì ở mức giá cao do chất lượng vượt trội, khiến robusta trở thành lựa chọn thay thế có giá hợp lý hơn. Từng chứng kiến đợt tăng giá mạnh năm 2021 sau khi sương giá gây thiệt hại nặng cho mùa cà phê Brazil, robusta hiện vẫn giữ vai trò "giải pháp dự phòng" của nhiều nhà rang xay.
Sự biến động giá cả cũng ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng. Tại Nhật Bản, công ty Ajinomoto AGF thông báo tăng giá các sản phẩm cà phê kể từ ngày 1/7, phản ánh tác động lan tỏa từ thị trường nguyên liệu toàn cầu. Tuy nhiên, việc giá giảm gần đây có thể giúp hạ nhiệt chi phí trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, giá cao trong năm 2024 đã tạo điều kiện cho nông dân tại các quốc gia sản xuất tích lũy thêm thu nhập. Theo một nhà giao dịch tại Nhật Bản, nhiều nông dân không vội bán hàng khi chưa đạt mức giá họ mong muốn. Nhưng nếu họ sử dụng nguồn vốn tích lũy này để mở rộng quy mô sản xuất, thị trường có thể tiếp tục chứng kiến áp lực giảm giá trong trung hạn.
Dù còn nhiều biến động, thị trường cà phê thế giới đang bước vào giai đoạn tái cân bằng, với sự trở lại mạnh mẽ của nguồn cung từ các nước chủ chốt và xu hướng chuyển dịch giữa hai loại arabica – robusta ngày càng rõ nét.
Như Quỳnh
Nguyễn Đức Hải
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/gia-ca-phe-giam-xuong-muc-thap-nhat-1-nam-nguyen-nhan-den-tu-viet-nam-205250708102715716.htm